![]() |
Chứng khoán Mỹ lao dốc khi niềm tin tiêu dùng bi quan. |
Phố Wall đã chứng kiến đà sụt giảm mạnh vào thứ Sáu (29/3) khi các dấu hiệu cho thấy sự suy giảm tiêu dùng ở Mỹ làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đình lạm (stagflation) tại nền kinh tế số 1 thế giới.
Một loạt báo cáo kinh tế mới nhất đã củng cố bằng chứng cho thấy người tiêu dùng tại Mỹ ngày càng lo lắng về tác động từ các biện pháp thuế quan toàn diện của Tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, chỉ số lạm phát cốt lõi, theo thước đo ưa thích của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đã tiếp tục tăng trong tháng 2. Những con số này xuất hiện đúng thời điểm giới đầu tư lo ngại rằng chính sách thuế quan kết hợp với bầu không khí bất ổn sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế Mỹ, trong khi đẩy giá cả leo thang.
Theo đó, chỉ số S&P 500 đã giảm 2%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite (tập trung vào cổ phiếu công nghệ) cũng mất 2.7%. Trái phiếu chính phủ Mỹ hưởng lợi khi nhà đầu tư đổ xô tìm nơi trú ẩn, kéo lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm giảm 0.11 điểm phần trăm xuống 4.26%.
Khảo sát từ Đại học Michigan, công bố hôm thứ Sáu, cho thấy tâm lý người tiêu dùng sụt giảm mạnh trong tháng 3 khi người Mỹ lo ngại về triển vọng việc làm, lạm phát và thu nhập. Đáng chú ý, các hộ gia đình dự báo lạm phát dài hạn ở mức 4.1% - cao nhất kể từ năm 1993.
Báo cáo nhấn mạnh rằng: "Đợt sụt giảm tâm lý này phản ánh sự đồng thuận rõ ràng trên mọi nhóm nhân khẩu học và phe phái chính trị. Cả cử tri Đảng Cộng hòa, độc lập lẫn Dân chủ đều bày tỏ kỳ vọng xấu đi từ tháng 2 về tài chính cá nhân, điều kiện kinh doanh, thất nghiệp và lạm phát".
Ngoài ra, báo cáo riêng từ Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) cho thấy chi tiêu tiêu dùng tháng 2 tăng 0.4%, phục hồi từ mức giảm 0.3% trong tháng 1 nhưng vẫn thấp hơn dự báo 0.5% của giới kinh tế. Ông Oliver Allen - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Pantheon Macroeconomics - nhận định dữ liệu này "đáng thất vọng" và cho thấy "xu hướng chậm lại trong tăng trưởng nhu cầu đang hình thành".
Goldman Sachs đã ngay lập tức hạ dự báo tăng trưởng GDP quý I/2025 của Mỹ thêm 0.4 điểm phần trăm, xuống mức 0.6% (theo tỷ lệ năm) do chi tiêu cá nhân tháng 2 "yếu hơn dự kiến" cùng điều chỉnh giảm số liệu tháng 1.
Cục Dự trữ Liên bang Atlanta (Fed Atlanta) cũng điều chỉnh dự báo GDP quý I/2025 xuống mức co lại 2.8% (theo tỷ lệ năm), so với mức 1.8% ước tính hôm thứ Tư (26/3). Đáng chú ý, mô hình của Fed Atlanta trái ngược hoàn toàn với các ngân hàng Phố Wall, vốn vẫn kỳ vọng tăng trưởng dương trong nửa đầu 2025.
Bên cạnh đó, BEA đồng thời công bố chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi - thước đo lạm phát được Fed theo dõi sát sao (đã loại trừ thực phẩm và năng lượng) - tăng 2.8% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự báo 2.7% của giới quan sát. Chỉ số PCE tổng thể duy trì ở mức 2.5%, không đổi so với tháng 1/2025.
Trước đó, Fed đã nâng dự báo lạm phát và hạ triển vọng tăng trưởng. Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định nền kinh tế Mỹ vẫn trong trạng thái ổn định và ngân hàng trung ương "không cần vội vàng" cắt giảm lãi suất sau khi đã hạ 1 điểm phần trăm trong năm 2024.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee đã cảnh báo với Financial Times rằng Fed không còn đi trên "con đường vàng" như năm 2023-2024, khi lạm phát có xu hướng trở về mục tiêu 2% mà không ảnh hưởng tới tăng trưởng hay thất nghiệp.