![]() |
Thị trường châu Á khởi sắc sau quyết định thuế quan “bất ngờ”. |
Thị trường chứng khoán châu Á đã chứng kiến tăng điểm mạnh, và đợt bán tháo trái phiếu Mỹ cũng dịu lại vào ngày thứ Năm (10/4), sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố tạm thời dỡ bỏ các mức thuế nhập khẩu “nặng nề” mới áp đặt lên hàng chục quốc gia.
Sau nhiều ngày thị trường chao đảo khiến hàng nghìn tỷ USD bị “thổi bay” khỏi giá trị cổ phiếu toàn cầu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt và đồng USD biến động mạnh, ông Donald Trump đã bất ngờ tuyên bố tạm hoãn trong vòng 90 ngày đối với nhiều mức thuế mới – một sự đảo ngược chính sách gây sửng sốt.
Tuy nhiên, hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ và đồng USD không được hưởng lợi từ đợt phục hồi toàn cầu này. Niềm tin của nhà đầu tư vào chính quyền Mỹ đã tiếp tục lung lay, và xu hướng “bán tháo tài sản Mỹ” vẫn tăng tốc.
“Cả thế giới – từ giới chính trị đến tài chính – đang nhìn vào chính quyền Mỹ với cảm giác kinh hoàng chứ không phải là ngạc nhiên, khi họ ưu tiên ký sắc lệnh về vòi sen tiết kiệm nước trong cùng ngày mà thị trường trái phiếu bị phá vỡ, và các nhà đầu tư đặt dấu hỏi về độ tin cậy dài hạn của chính quyền do liên tục lật ngược chính sách thuế”, ông Martin Whetton, Giám đốc chiến lược thị trường tài chính tại ngân hàng Westpac, nhận định.
Hợp đồng tương lai Nasdaq giảm hơn 1,6%, S&P 500 giảm 1,42%, bất chấp đà tăng mạnh nhất trong hơn một thập kỷ ở phiên giao dịch trước đó. Đồng USD giảm 0,7% so với đồng yen và 0,6% so với franc Thụy Sĩ, cho thấy tâm lý bất ổn vẫn bao trùm.
![]() |
Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ không được hưởng lợi từ đợt phục hồi do xu hướng "bán tháo tài sản Mỹ" (Ảnh: CNBC). |
“Phản ứng ban đầu chỉ là do lượng lớn vị thế bán khống bị ép đóng, nên thế giới mới có chút ‘khoảng thở’ – ngoại trừ Trung Quốc… vì trước đó thị trường đang định giá kịch bản tồi tệ nhất”, ông Khoon Goh, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á của ANZ, bình luận. “Giờ đây khi bụi đã lắng xuống, thị trường sẽ tính đường đi tiếp theo”.
Tại thị trường châu Á, chỉ số Nikkei (Nhật Bản) tăng vọt 8%, hợp đồng tương lai EUROSTOXX 50 và DAX (Đức) cũng tăng khoảng 8%, còn FTSE (Anh) tăng 5,4%.
Tuy nhiên, quyết định của ông Trump không hoàn toàn xóa bỏ các mức thuế đã áp. Theo Nhà Trắng, mức thuế 10% với hầu hết hàng nhập khẩu vào Mỹ vẫn được giữ nguyên. Thêm vào đó, các mặt hàng ô tô, thép và nhôm vẫn chịu các mức thuế cũ. Tổng thống Mỹ còn tuyên bố sẽ nâng thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 125%, từ mức 104% vừa có hiệu lực ngày hôm trước.
Để đáp trả, chính phủ Trung Quốc cũng tuyên bố tăng thuế với hàng hóa Mỹ lên mức trung bình 84% và áp thêm hạn chế đối với 18 doanh nghiệp Mỹ, chủ yếu thuộc ngành quốc phòng.
Dẫu vậy, nhà đầu tư tạm thời chỉ tập trung vào “cửa sổ 90 ngày” mà ông Trump dành cho phần còn lại của thế giới.
“Có thể thấy ít nhất thương mại toàn cầu sẽ không dừng lại hoàn toàn”, ông Wong Kok Hoong, Trưởng bộ phận giao dịch cổ phiếu tại Maybank, nhận định. “Mô hình chuỗi cung ứng ‘Trung Quốc +1’ vẫn còn nguyên. Khi phần còn lại của thế giới chỉ chịu mức thuế 10% trong 90 ngày, các doanh nghiệp có thời gian và lựa chọn để điều chỉnh lại chuỗi cung ứng”.
Tuy nhiên, đồng Nhân dân tệ lại cho thấy một bức tranh khác khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2007, đạt 7,3518 CNY/USD. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng đặt tỷ giá trung tâm ở mức thấp nhất kể từ tháng 9/2023.
Đợt bán tháo dữ dội trên thị trường trái phiếu Mỹ cũng đã bắt đầu hạ nhiệt. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống 4,2774%, sau khi chạm mức cao 4,5150% trong phiên trước.
Các chuyên gia cảnh báo nhiều yếu tố đang đẩy lợi suất trái phiếu lên cao: lạm phát dai dẳng, Fed giữ lãi suất cao, dòng vốn nước ngoài suy giảm, quỹ đầu cơ giảm đòn bẩy, và tính thanh khoản yếu của thị trường trái phiếu Mỹ.
“Lạm phát cứng đầu, Fed kiên nhẫn, nhà đầu tư nước ngoài giảm mua, các quỹ phòng hộ rút vốn, tái cơ cấu danh mục – tất cả đang khiến lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng”, ông Lawrence Gillum, chiến lược gia trưởng về thu nhập cố định tại LPL Financial, nhận định.