Thế giới đánh giá cao mô hình phát triển Việt Nam

17:32 07/04/2021

Là chia sẻ của GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương tại Hội nghị báo cáo viên trung ương khu vực phía Bắc tháng 4/2021 được tổ chức sáng 7/4 tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện lãnh đạo cơ quan tuyên giáo 14 tỉnh thành miền Bắc.

Gần đây, cả thế giới đều lao đao vì Covid-19, kể cả những cường quốc cũng không thể đứng vững. Trong bối cảnh đó, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia khống chế thành công đại dịch. Chúng ta có được thành quả đó là vì đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ Trung ương xuống cơ sở. Lâu nay có nhiều ý kiến nói hệ thống đó cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, nhưng hóa ra không phải. Lúc cần đến mới thấy hệ thống đó có sức mạnh rất lớn. 

 GS.TS Phùng Hữu Phú.

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, điều đáng mừng nhất là thế giới ngày càng đánh giá cao mô hình phát triển Việt Nam. Trước đây, có ý kiến nói mô hình CNXH dị dạng, không giống với mô hình chung của thế giới. Nhưng càng ngày càng thấy mô hình của Việt Nam là đáng học tập, đáng trân trọng. Đảng cộng sản Nhật Bản, một đảng kỳ cựu, có vị thế lâu năm cũng đánh giá rất cao Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ thấy chúng ta đổi mới không vì mình mà vì phong trào cộng sản to lớn của thế giới. Hay sự kiện Nhà Trắng đón Tổng Bí thư Việt Nam là không có tiền lệ trong giao tiếp, khẳng định Hoa Kỳ tôn trọng chế độ chính trị, con đường phát triển của Việt Nam.

Qua đại dịch Covid-19, càng thấy mô hình đó rất đang nể trọng và học tập. Việt Nam là hình mẫu cho nhiều quốc gia dân tộc noi theo. Đặc biệt, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, chỉ số đo độ uy tín rõ nhất là tại Đại hội XIII của Đảng vừa qua, đã nhận được 368 thư điện của các tổ chức, chính đảng…  gửi đến chúc mừng. Đó là con số biết nói chứng minh uy tín của Đảng, Nhà nước và đất nước ngày càng nâng cao trong con mắt bạn bè quốc tế.

GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, chúng ta thống nhất đánh giá chưa bao giờ Việt Nam có cơ đồ tiềm lực vị thế uy tín như hôm nay là cơ sở để chúng ta tin vào bản thân, có đủ khả năng để tiếp tục đi tới. Với những gì đang có, chúng ta có thể đi tới mục tiêu xa hơn hoàn toàn là hiện thực nếu chúng ta phát huy tốt tiềm lực, vị thế, uy tín. Trong con đường đi lên chắc chắn còn nhiều khó khăn, cạm bẫy, nhưng tuyệt đối không được để mất niềm tin, đừng “nhìn cây không thấy rừng”, chỉ “nhìn hiện tượng mà không thấy bản chất”; Tư tưởng phải thống nhất, nhưng tuyệt đối không được chủ quan, những “tật bệnh” phải kiên quyết xử lý, để phát triển nhanh và bền vững hơn.

Từng là quốc gia không có tên trên bản đồ, bị bao vây, cấm vận, “thân thể” đầy vết thương sau chiến tranh, “chỗ dựa” thì sụp đổ. Trong bối cảnh đó, thực hiện đúng đường lối đối ngoại, là đối tác, là bạn, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã thực hiện bằng hành động chứ không chỉ lời nói, dẫn tới vị thế quốc tế được nâng lên rõ rệt. Chúng ta đăng cai tổ chức nhiều hội nghị quốc tế lớn, hội nghị của liên minh nghị viện, đón các nguyên thủ quốc gia, nhiều nguyên thủ nước lớn đến Việt Nam với tần suất cao. Đặc biệt, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều được tổ chức ở Hà Nội, đã khiến thế giới ngỡ ngàng. Đó là sự kiện “biết nói”, khách quan, cho thấy vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao.

Từ cơ đồ tiềm lực, vị thế tạo ra uy tín khách quan của Việt Nam. Trước hết là uy tín đối với Đông Nam Á, Việt Nam là một thành viên tích cực có trách nhiệm, nhiều đóng góp. Những lần Việt Nam đóng vai trò Chủ tịch khối ASEAN đã thể hiện rất xuất sắc. Những năm Việt Nam làm Chủ tịch, hoạt động của khối rất sôi động có nhiều sáng kiến. Từ đó dẫn đến hệ quả tất yếu là các nước lớn muốn đặt chân và phát huy ảnh hưởng ở khu vực đều muốn qua Việt Nam. Trong các cuộc gặp, họ bày tỏ mong muốn “hy vọng Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để thâm nhập rộng hơn vào ASEAN”. Như vậy, tiếng nói của Việt Nam có trọng lượng trong khu vực.

Lâm Nghi

Tags: