Thấy gì sau quyết định đầu tư dự án trị giá 270 triệu USD của Foxconn

09:35 20/01/2021

Foxconn – một trong những hãng chế tạo linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới, chuyên sản xuất các sản phẩm cho Apple - đã quyết định chuyển một phần dây chuyền sản xuất máy tính sang Việt Nam.

Từ chỉ đạo của Chính phủ…

Tháng 5/2020, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia gắn với chuỗi giá trị và chuyển giao công nghệ tiên tiến.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và tặng hoa chúc mừng các tập đoàn, doanh nghiệp
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và tặng hoa chúc mừng các tập đoàn, doanh nghiệp. (Ảnh: Báo Bắc Giang)

Tại thông báo số 206/TB-VPCP ngày 15/6/2020, kết luận buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, tỉnh cần chủ động chuẩn bị tốt điều kiện về đất đai, mặt bằng với hạ tầng đồng bộ để thu hút các dự án đầu tư lớn, có tiềm năng.

Thủ tướng cũng cho ý kiến chỉ đạo với nhiều kiến nghị của Bắc Giang để có thể tranh thủ thời cơ, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài lớn chuyển dịch vào Việt Nam, tận dụng cơ hội phát triển kinh tế của các địa phương…

Từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bắc Giang đã và đang không ngừng cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh với tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật cho các nhà đầu tư. Bắc Giang tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ cương công vụ, thông thoáng trong giải quyết thủ tục hành chính; sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp nhanh nhất, kịp thời nhất, kể cả việc hướng dẫn thực hiện pháp luật Việt Nam.

Theo đó, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đồng thời, kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Việc đón các nhà đầu tư như Foxconn cũng phù hợp với chủ trương thu hút các dự án chất lượng cao theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

… đến dự án trị giá 270 triệu USD của  Foxconn

Ngày 18/1 tại TP. Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy Fukang Technology của Nhà đầu tư Foxconn Singapore PTE Ltd.

Dự án Nhà máy Fukang Technology đầu tư thực hiện tại khu công nghiệp Quang Châu với mục tiêu dự án sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay, quy mô công suất  khoảng 8 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư đăng ký 270 triệu USD tương đương 6.233 tỷ đồng.

Trong một nhà máy của Foxconn
Trong một nhà máy của Foxconn. (Ảnh: Bloomberg)

Sự kiện này là minh chứng rõ ràng về sự dịch chuyển dây chuyền sản xuất của các hãng mà Việt Nam là đích đến được ưu tiên hàng đầu.

Nhìn nhận về Dự án Nhà máy Fukang Technology của Nhà đầu tư Foxconn Singapore PTE Ltd đầu tư thực hiện tại khu công nghiệp Quang Châu (tỉnh Bắc Giang), đại diện cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và giới chuyên gia đều nhận định, sự kiện này vừa phát đi những tín hiệu tích cực về khả năng thu hút đầu tư và năng lực sản xuất của Việt Nam.

Đồng thời, sự kiện này cho thấy những nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua đã có kết quả, thu hút được các nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia đang đa dạng hóa, tối ưu hóa các chuỗi cung ứng.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang thông tin, tính đến tháng 12 năm 2020, tổng vốn đầu tư của Foxconn tại Việt Nam là 1,5 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư tại tỉnh Bắc Giang là 900 triệu USD. Dự kiến năm 2021 sẽ đầu tư thêm 700 triệu USD và tăng mới 10 nghìn lao động, trong đó giai đoạn 1 có quy mô 270 triệu USD vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư và giai đoạn 2 hơn 400 triệu USD.

Dự án lần này của Foxconn có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh Bắc Giang, là động lực thu hút thêm nhiều dự án công nghệ khác tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng xuất khẩu và thu ngân sách cho tỉnh. Cùng với đó, đưa người lao động vào dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghệ cao của thế giới với thu nhập cao hơn và môi trường làm việc hiện đại.

“Việc Foxconn tiếp tục lựa chọn Bắc Giang để triển khai dự án sản xuất các sản phẩm chiến lược công nghệ cao cho hãng Apple chứng tỏ sức hấp dẫn của môi trường đầu tư của tỉnh, có thể đáp ứng được cho các dự án công nghệ hàng đầu thế giới. Đây là bước khởi đầu để Foxconn triển khai các dự án tiếp theo có mức vốn đầu tư lớn hơn tại Bắc Giang. Dự án của Foxconn chắc chắn sẽ tạo ra “cú hích” lôi cuốn làn sóng FDI có chất lượng về  địa phương, có lợi cho mục tiêu tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19”, ông Lê Ánh Dương nhấn mạnh.

Sức mạnh Việt Nam thời Covid-19

Báo cáo của Economist Intelligence Unit (EIU) cho hay, Việt Nam đang vượt qua Trung Quốc và Ấn Độ để trở thành một điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hấp dẫn. Báo cáo này cũng chỉ ra Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất giá rẻ mới trong chuỗi cung ứng châu Á.

Việt Nam đang trở thành đích đến được ưu tiên hàng đầu của các hãng sản xuất tiếng tăm

Việt Nam đang trở thành đích đến được ưu tiên hàng đầu của các hãng sản xuất tiếng tăm. (Ảnh: minh hoạ)

Theo đó Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ và Trung Quốc về chính sách FDI. Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư FDI nổi bật là nhờ các yếu tố: chính sách khuyến khích doanh nghiệp quốc tế thành lập các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ cao, lao động giá rẻ và lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết.

Về thị trường lao động, Việt Nam cũng đang xếp trên Ấn Độ. “Thị trường lao động là cung và cầu về lao động. Ấn Độ, quốc gia có 1,38 tỷ dân đã tụt lại sau Việt Nam, đất nước có 97,34 triệu người” - báo cáo này nhận xét.

Không chỉ thế, Việt Nam còn vượt lên Ấn Độ về khả năng kiểm soát ngoại thương và hối đoán. EIU đánh giá cao triển vọng của Việt Nam khi cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục cung cấp các thỏa thuận có lợi đối với các doanh nghiệp quốc tế với nhiều khoản ưu đãi đầu tư. Mặc dù việc thiếu hụt lao động chuyên môn hóa cao là một bất lợi của Việt Nam nhưng quốc gia này lại có lợi thế về nhân công giá rẻ trong ngành sản xuất.

“Việc Việt Nam trở thành thành viên của các Hiệp định Thương mại tự do cũng là một lợi thế giúp giảm chi phí xuất khẩu” - báo cáo này phân tích.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU đã mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ngành da giày. Ngay khi hiệp định có hiệu lực, khoảng 40% hàng da giày xuất khẩu sang EU của Việt Nam vốn phải chịu mức thuế 30% nay đã được miễn thuế.

Theo Ruchir Sharma, chiến lược gia về các thị trường mới nổi tại Morgan Stanley, mức FDI trên GDP hơn 6% của Việt Nam là tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia mới nổi trên thế giới. Mặt khác, năm 2013, khi giá nhân công tại Trung Quốc bắt đầu tăng cao dẫn đến sự chuyển dịch nguồn vốn FDI sang các quốc gia châu Á khác và Việt Nam là một trong những lựa chọn ấy. Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gần đây, Việt Nam lại càng được hưởng lợi và đang trên đường để trở thành trung tâm sản xuất của thế giới, thay thế cho Trung Quốc.

Trong năm 2020, dù đối mặt với đại dịch, Việt Nam cũng đã thu hút 28,5 tỷ USD vốn FDI, tương đương 75% so với cùng kỳ năm 2019.

Trần Linh (T/h)