Thay đổi phương thức thực hiện một số thủ tục hành chính cho doanh nghiệp nông nghiệp

15:19 30/08/2021

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản về việc thay đổi phương thức thực hiện một số thủ tục hành chính trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch COVID-19.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát đi văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bắc Ninh; Tổng cục Thủy sản; các Cục: Chăn nuôi, Trồng trọt, Thú y, Bảo vệ thực vật, Quản lý chất lượng và Kinh tế hợp tác;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 4573/BNN-VP báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất một trong các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 4573/BNN-VP báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất một trong các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19. (Ảnh: minh họa)

Đồng thời, văn bản này cũng được chuyển tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc thay đổi phương thức thực hiện một số thủ tục hành chính trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch COVID-19.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời điểm hiện nay, đại dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, trong phạm vi cả nước, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động chung của toàn xã hội cũng như hoạt động giải quyết các thủ tục hành chính có yêu cầu phải thực hiện trực tiếp tại hiện trường.

Nhằm thiết thực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và tiếp tục thúc đẩy hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông lâm thủy sản trong tình hình phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạm thời áp dụng thẩm định, đánh giá trực tuyến thay thế cho việc thẩm định, đánh giá trực tiếp tại hiện trường một số thủ tục.

Về thủ tục xác nhận cam kết hoặc chứng nhận sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT quy định, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; xác nhận nguyên liệu; chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.

Đồng thời, đánh giá chỉ định, giám sát cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm theo quy định tại Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT quy định điều kiện, trình tự thủ tục chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản và các đơn vị trực thuộc tạm thời thực hiện tiếp nhận hồ sơ điện tử, thực hiện đánh giá trực tuyến thay cho hình thức trực tiếp.

Càn lưu ý rằng đối tượng và thời gian áp dụng là các phòng kiểm nghiệm, doanh nghiệp chế biến thủy sản tại các tỉnh, thành phố đang trong thời gian có thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, cần có đủ nguồn lực kỹ thuật như máy tính, đường truyền internet, ứng dụng phần mềm… phục vụ cho hoạt động đánh giá và chấp thuận thực hiện đánh giá trực tuyến.

Các doanh nghiệp, phòng kiểm nghiệm có trách nhiệm nộp phí theo quy định hiện hành và hoàn trả các hồ sơ, tài liệu bản gốc cho cơ quan quản lý để lưu trữ theo quy định.

Đối với thủ tục thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về nội dung này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 4573/BNN-VP báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất một trong các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19. Theo đó, cho phép gia hạn các giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y… thêm 3 tháng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đã hết hạn hoặc sắp hết hạn.

Hiện nay, do áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, cơ quan chức năng chưa thể tổ chức thẩm định, cấp, gia hạn giấy chứng nhận theo quy định nên sẽ có nhiều cơ sở ngưng hoạt động trong thời gian tới. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản cho các doanh nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, các tổng cục, cục trực thuộc Bộ tiếp nhận hồ sơ; thẩm định, chứng nhận điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản bằng hình thức trực tuyến thay thế cho việc thực hiện trực tiếp.

Cụ thể, thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục, phương pháp thẩm định, chứng nhận và lưu trữ hồ sơ đầy đủ. Đối tượng và thời gian áp dụng là các cơ sở, doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg, đồng thời có đủ nguồn lực kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thẩm định và chấp thuận thực hiện đánh giá trực tuyến.

Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản có trách nhiệm nộp phí theo quy định hiện hành và hoàn trả các hồ sơ, tài liệu bản gốc cho cơ quan quản lý để lưu trữ theo quy định.

Trong quá trình triển khai, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kịp thời báo cáo về Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản để được hướng dẫn giải quyết.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/04/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Một trong những nguyên tắc áp dụng việc đầu tư và hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là Nhà nước sẽ ưu đãi các doanh nghiệp bằng hình thức thông qua miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và giảm một số thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Theo Nghị định 57, các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gồm: Miễn, giảm tiền sử dụng đất; Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; Hỗ trợ tập trung đất đai; Tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; Hỗ trợ đầu tư cơ sở: Bảo quản, chế biến nông sản; Giết mổ gia súc, gia cầm; chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp; sản xuất sản phẩm phụ trợ; Hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi bò sữa, bò thịt; Hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; Hỗ trợ tập trung đất đai; Tiếp cận hỗ trọ tín dụng…

Hà An