Sáng 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì giao ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội có ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành uỷ; ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành uỷ; ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP và lãnh đạo một số sở, ngành.
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 25/9.
Báo cáo tại hội nghị về công tác phòng, chống dịch của thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội có một số kinh nghiệm đã triển khai, đó là sự chỉ đạo thống nhất từ Thành uỷ đến Ban chỉ đạo, Sở chỉ huy và đến các địa phương, sâu và kỹ khi thực hiện chủ trương chung nhưng cũng có linh hoạt để phù hợp với từng địa phương. Huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đặc biệt là sự ủng hộ, đồng lòng, tự giác của nhân dân, thực tế qua triển khai cho thấy nơi nào nhân dân cùng vào cuộc thì hiệu quả sẽ rất cao, kể cả khi giãn cách và khi nới lỏng, thực hiện Chỉ thị 15.
Theo Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong, từ đầu dịch đến nay, Hà Nội chỉ có hơn 4.000 ca mắc và đến ngày hôm nay chỉ còn hơn 500 ca đang phải điều trị ở bệnh viện, nhưng Hà Nội luôn luôn chuẩn bị phương án cao hơn, hiện Thành phố đang chuẩn bị phương án có 40.000 ca F0 và đã chuẩn bị các điều kiện cách ly, thu dung, điều trị F0 thể nhẹ cũng như các bệnh viện phân tầng 2, 3 và các điều kiện về nhân lực, vật tư y tế, nguồn ô xy, trang thiết bị máy móc, luôn sớm hơn một bước và cao hơn một bước so với diễn biến của tình hình dịch bệnh.
Việc xét nghiệm diện rộng, tầm soát y tế toàn dân và tiêm chủng thần tốc cũng đem lại hiệu quả rất cao, như Thủ tướng đánh giá thì như vậy Hà Nội mới chấm dứt được việc phải trải qua 4 lần giãn cách, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân cũng như phát triển kinh tế-xã hội. Và đặc biệt, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho Hà Nội vắc xin thì Hà Nội cũng không thể bao phủ mũi 1 vắc xin trong thời gian vừa qua.
Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cho biết, kinh nghiệm là phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để khi có vaccine thì phải tiêm ngay, an toàn nhất, cùng với xét nghiệm xong thì tiêm, và dây chuyền tiêm thì ngành y tế chỉ thực hiện nhiệm vụ của ngành, còn các lực lượng khác thì cùng tham gia hỗ trợ, chính vì thế khi sắp xếp, tổ chức lại thì Hà Nội có thể tiêm được 300 nghìn mũi/ngày, và cộng với sự hỗ trợ của các tình, thành bạn, cơ quan Trung ương hỗ trợ thì đã có ngày Hà Nội triển khai tiêm được trên 600 nghìn mũi.
Cùng với đó, công tác vận động tuyên truyền để nhân dân hiểu “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất” cũng rất quan trọng, chính vì thế thời gian qua việc tiêm chủng của Hà Nội được thực hiện rất thuận lợi nhờ nhận được sự hưởng ứng, đồng tình rất lớn của người dân, trong khoảng thời gian chỉ 7 ngày đã tiêm được trên 3,5 triệu mũi, có điểm tiêm hoạt động đến 2h sáng để đảm bảo tiêm hết cho người dân đã mời.
Việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan trung ương, nhất là các bệnh viện Trung ương và các tỉnh thành, thực tế thời gian qua 12 tỉnh, thành đã hỗ trợ Hà Nội, huy động được tổng nguồn lực về y tế, thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong trân trọng cảm ơn các tỉnh, thành bạn, các cơ quan trung ương, Bộ Quốc phòng đã tạo điều kiện tối đa cho Hà Nội trong thời gian qua.
Cũng theo Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong, một kinh nghiệm nữa là phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào phòng, chống dịch, thực tế thời gian qua Hà Nội đã triển khai rất tốt việc khai báo y tế, tổng đài 1022, xây dựng được 2 phần mềm, một là phân loại điều trị F0, hai là phân loại theo dõi F1 và đang được ứng dụng rất hiệu quả. Đây thực sự là bài học quan trọng trong phòng, chống dịch.
Ngoài ra, ngay từ đầu khi có dịch từ năm 2020, Hà Nội đã quan điểm phong toả hẹp nhất có thể nhưng phải xét nghiệm rộng và trả kết quả ngay với công thức 4-6 (4 tiếng lấy mẫu, 6 tiếng trả kết quả) thì mới có thể thu hẹp được vùng phong toả, ví dụ ở khu chung cư thì sau khi có kết quả sẽ chỉ triển khai phong toả theo tầng chứ không phong toả toàn bộ khu chung cư.
Kinh nghiệm nữa là công việc phòng chống dịch đối với cả thế giới cũng như Việt Nam và Thành phố Hà Nội nói riêng đều là mới mẻ, nên lãnh đạo Thành phố cũng thống nhất không cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lắng nghe để điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn và điều đó không chỉ áp dụng trong thời gian giãn cách mà cả khi nới lỏng hay hết giãn cách hoàn toàn.
Phó Bí thư Thành uỷ cũng cho biết, Hà Nội đang bàn kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước tiếp tục nới lỏng căn cứ trên thực tiễn của Thành phố, thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả đối với dịch Covid-19, trên thực tế dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế cũng được Hà Nội cập nhật và triển khai tới các quận huyện, và căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng địa phương để bám sát 6 nguyên tắc mà Thủ tướng nêu ra để tiếp tục triển khai. Phó Bí thư Thành uỷ đồng tình với dự thảo của Bộ Y tế và đề nghị chính thức đưa vào triển khai để có căn cứ pháp lý.
Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong nêu 2 kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Thứ nhất, tuy đã kiểm soát cơ bản tình hình dịch bệnh nhưng Hà Nội xác định nguy cơ vẫn cao, đó là vẫn còn F0 cộng đồng, người về từ vùng dịch có ca nhiễm, tâm lý lơ là chủ quan sớm tự mãn với kết quả bước đầu đạt được trong phòng chống dịch, việc người dân đổ ra đường tối trung thu là bài học rất sâu sắc và thành phố cũng đã rút kinh nghiệm, vì thế đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông cân nhắc việc triển khai chuyến bay thương mại và vận tải hành khách đường sắt đến Hà Nội.
Thứ hai, theo thời gian cuối tháng 10 sẽ tiêm trả mũi 2, vì vậy Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành quan tâm bố trí vắc xin để đảm bảo đủ tiêm trả mũi 2 cho người dân.
PV