Hậu quả để lại sau cơn bão số 3
Theo tổng hợp, báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS ( Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh) đến 7 giờ ngày 8/9 trên địa bàn tỉnh, mưa bão đã làm 1 người bị thương do bị cây đổ vào người khi tham gia giao thông, hiện tại sức khỏe đã ổn định. Mưa gió lốc làm 133 căn nhà ở các huyện miền núi bị thiệt hại, trong đó, huyện Bá Thước có 3 nhà, Cẩm Thuỷ 1 nhà, Mường Lát có 72 nhà, Quan Hóa 50 nhà, Lang Chánh 6 nhà, Thường Xuân 1 nhà.
Về thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, tại các huyện Bá Thước, Hoằng Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân có hơn 274ha lúa mùa bị gãy, đỗ; 8,1ha ao cá bị vỡ bờ; 5m2 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi. Trên Quốc lộ 15 bị nứt taluy dương với chiều dài 200m đoạn qua xã Phú Thanh (Quan Hóa); Quốc lộ 15C sạt taluy âm với chiều dài 65m đoạn qua xã Trung Lý (Mường Lát).
Mưa lớn gây lũ dâng cao tại huyện Lang Chánh. |
Đặc biệt, mưa lớn khiến mực nước dâng cao gây ngập úng cục bộ, sụt lún mặt đường, sạt lở taluy khiến giao thông bị chia cắt. Điển hình, tại đoạn tuyến từ Km88+750-Km88+810/QL.15C, thuộc địa phận xã Pù Nhi, huyện Mường Lát hiện đã bị sụt lún 2/3 mặt đường (phía phải tuyến), chiều sâu khoảng 3m với chiều dài khoảng 60m; đồng thời tiếp tục có hiện tượng lún sụt toàn bộ nền mặt đường gây nguy cơ cao đứt đường.
Tại huyện Thạch Thành, mực nước sông Bưởi đã dâng lên mức báo động 2, gây ngập 95 nhà dân, 291 ha mía và 273 ha lúa. Giao thông trên tuyến Tỉnh lộ 523 qua xã Thành Trực bị chia cắt do nước ngập sâu, khiến 10 hộ dân với 50 nhân khẩu sinh sống phía bờ sông Bưởi bị ngập nước. Nước lũ cũng đã gây ngập một số hộ dân ngoài tuyến đê bao trên địa bàn thị trấn Kim Tân. Lực lượng chức năng đã tổ chức di chuyển toàn bộ số hộ dân này đến nơi ở an toàn.
Mực nước sông Bưởi tại TT Kim Tân, huyện Thạch Thành có khả năng lên mức báo động. |
.Tại huyện Quan Hóa, mưa lớn, dông lốc làm thiệt hại 86 nhà dân và 12 nhà có nguy cơ sạt lở; gãy, đổ hơn 33 ha lúa, trong đó có 1,2 ha thiệt hại hoàn toàn và làm sạt lở hơn 60 điểm trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện và Quốc lộ 15 qua địa bàn huyện
Tại huyện Bá Thước hiện có 15 điểm giao thông bị chia cắt cục bộ, gồm: Xã Lương Trung có 2 điểm tại thôn Sơn Thủy và hang Khéo thôn Quang Trung; xã Lương Nội tại tràn Mó Tôm, thôn Ben; xã Thiết Kế tại đập suối Cha; xã Ban Công có 3 điểm tại đường 521B đoạn qua khu vườn hoa thôn La Hán, khu suối đúc La Hán đi thôn Cả, khu suối Khằm thôn Ba; xã Cổ Lũng có 2 điểm tại tràn Nà Khà và tràn La Ca; xã Lũng Cao tại thôn Pốn Thành Công; xã Lũng Niêm tại tràn khu Ươi thôn Lặn Ngoài, Lặn Trong; xã Lương Ngoại tại cầu Hón Uông thôn Giầu Cả; xã Hạ Trung 3 điểm tại đường 523D đoạn qua thôn Khiêng, tràn Đồng Xong - thôn Chiềng Ai, tràn Chông Bông - thôn Cò Mu.
Để khắc phục hậu quả sau bão số 3, các địa phương bị ảnh hưởng đã khẩn trương tập trung lực lượng, phương tiện hỗ trợ các hộ dân; huy động máy móc, nhân lực xử lý số lượng đất, đá sạt trượt, đảm bảo giao thông thông suốt, đặt biển cảnh báo tại các nơi nguy cơ sạt lở, tại các ngầm tràn nguy hiểm, nước lớn; vận động các hộ dân nơi có nguy cơ rất cao tạm di dời đến nơi an toàn khi có mưa gió; thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp; phối hợp với các đơn vị điện lực, y tế, giao thông… luôn sẵn sàng ứng phó với tất cả những trường hợp bất thường do hoàn lưu bão số 3 gây nên.
Tập trung cao độ khắc phục hậu quả
Để khắc phục những ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây ra tại các địa phương trên địa bàn tỉnh và nhanh chóng đưa cuộc sống của người dân vùng ảnh hưởng trở lại cuộc sống bình thường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lại Thế Nguyên nhấn mạnh: Dưới tác động của hoàn lưu bão, tình hình mưa, lũ, sạt lở đất sau bão dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo đó, yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ sau bão và các hình thái thiên tai có thể xảy ra do mưa lớn như lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; chủ động ứng phó với thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” và nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”; tuyệt đối không chủ quan lơ là trong việc ứng phó và khắc phục hậu quả đối với các đợt thiên tai xảy ra tiếp theo.
Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão huyện Quan Sơn chỉ đạo phòng chống lũ lụt trong đêm. |
Các ngành của tỉnh, lực lượng vũ trang và các địa phương khẩn trương huy động các nguồn lực để nhanh chóng khắc phục các hậu quả do thiên tai gây ra. Trong đó chú trọng khắc phục ngay các hư hỏng, thiệt hại về nhà ở, đảm bảo an toàn cho người dân; khắc phục, khôi phục các thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, tập trung tiêu úng, bảo vệ sản xuất, đặc biệt là bảo vệ diện tích lúa vụ hè thu.
Sở Giao thông Vận tải tập trung huy động nguồn lực, vật lực khắc phục sự cố hư hỏng, sạt lở của các công trình giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn cho người và phương tiện lưu thông.
Sở NN và PTNT tổ chức vận hành, điều tiết các hồ chứa, liên hồ chứa theo đúng quy trình đã được phê duyệt; bảo đảm vận hành khoa học, an toàn tuyệt đối cho công trình, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.
Các địa phương kiểm tra, rà soát, thống kê, đánh giá cụ thể, chính xác, tổng hợp tình hình thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để hỗ trợ an sinh, khôi phục sản xuất theo đúng quy định.