Tính riêng trong đợt cao điểm tổng tiến công hàng lậu, hàng giả, từ ngày 15/5 đến 15/6/2025, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra 115 vụ kiểm tra, trong đó 84 vụ vi phạm đã bị xử lý với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính đạt 1,01 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị hàng hóa vi phạm được xác định là 0,65 tỷ đồng, phần lớn đã bị tiêu hủy. Đặc biệt, 9 vụ việc có dấu hiệu hình sự đã được chuyển cơ quan điều tra.
Chiến dịch này tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như: Thực phẩm, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, phân bón, vật tư nông nghiệp, xăng dầu, rượu bia. Đáng chú ý, lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra các hoạt động kinh doanh trên nền tảng trực tuyến: sàn thương mại điện tử, website và mạng xã hội như Facebook, TikTok... Đây đều là kênh có lượng người dùng phổ biến nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro về hàng giả, hàng nhập lậu và hàng không rõ nguồn gốc.
Nhiều vụ việc điển hình đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Có thể kể đến như: Ngày 27/5/2025, Đội QLTT số 9 phối hợp kiểm tra và đã khởi tố, tạm giam về tội buôn lậu đối với chủ hộ kinh doanh Nguyễn Khánh Tùng (Tùng Moscow) tại TP Thanh Hóa.
![]() |
Quản lý thị trường Thanh Hóa tổng lực tiến công kiểm tra, truy quét hàng giả tại cơ sở kinh doanh Tùng Moscow. Ảnh: Quản lý thị trường Thanh Hóa |
Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện 492 sản phẩm (giày, dép, túi, ví, thắt lưng) giả mạo nhãn hiệu của 10 thương hiệu nổi tiếng như: Adidas, Nike, Hermes, Gucci, Louis Vuitton, Crocs, Lacoste... với tổng trị giá ước tính hơn 325 triệu đồng.
Tiếp đó, ngày 31/5/2025, Đội QLTT số 9 tiếp tục phát hiện Hộ kinh doanh Hồ Thị Tuyết tại huyện Nông Cống đang sử dụng bao bì, vỏ đệm, phiếu bảo hành giả mạo thương hiệu Everon. Mở rộng điều tra, 6 cơ sở liên quan khác bị phát hiện đang kinh doanh 29 đệm giả với tổng trị giá hơn 40 triệu đồng. Hồ sơ vụ việc hiện đã được chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ.
![]() |
Đội QLTT số 12 thuộc Chi cục QLTT Thanh Hóa tăng cường kiểm tra, truy quét giám sát các loại hàng hóa trên thị trường. Ảnh: Quản lý thị trường Thanh Hóa |
Song song với công tác kiểm tra, Chi cục QLTT Thanh Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng. Trong đó, 893 bản cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu đã được ký kết. Các hình thức tuyên truyền đa dạng như phát thanh địa phương, xe lưu động, băng rôn khẩu hiệu và phối hợp đưa tin với các cơ quan báo chí đã được triển khai đồng bộ.
Với người tiêu dùng, lực lượng chức năng khuyến cáo nên ưu tiên mua hàng tại các cơ sở uy tín, kiểm tra kỹ thông tin bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng và đặc biệt cảnh giác với sản phẩm có giá bán bất thường trên mạng. Khi phát hiện nghi vấn, người dân cần chủ động báo cho cơ quan chức năng, danh tính người tố giác sẽ được bảo mật.
Về phía doanh nghiệp và hộ kinh doanh, QLTT Thanh Hóa yêu cầu tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật trong hoạt động thương mại, không tiếp tay cho hàng hóa vi phạm, lưu trữ đầy đủ chứng từ, hóa đơn hợp pháp và chấp hành kiểm định chất lượng. Đặc biệt, doanh nghiệp được khuyến khích ký cam kết "Nói không với hàng giả, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ" và hợp tác minh bạch khi có kiểm tra từ cơ quan chức năng.