Quyết định hợp lòng dân
Giữ gìn các giá trị lịch sử, văn hóa thông qua tên gọi các đơn vị hành chính được coi là quan trọng, thể hiện tinh thần “gần dân, thân dân, trọng dân” của chính quyền địa phương tỉnh Thanh Hóa. Nguyên tắc chung là ưu tiên các tên gọi gắn liền với di tích lịch sử, trầm tích văn hóa, tên làng, dòng sông, con suối hoặc di sản văn hóa của địa phương.
![]() |
Hội nghị lấy ý kiến về việc đặt tên xã mới của huyện Vĩnh Lộc |
Như Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã phản ánh, trước ngày 25-4, tỉnh Thanh Hóa có 17 huyện, TP đặt tên xã dự kiến sau sắp xếp lấy tên địa danh gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương.
Có 9 huyện, thị xã, TP đặt tên xã dự kiến sau sắp xếp theo số thứ tự gồm: thị xã Bỉm Sơn, Nghi Sơn, TP Sầm Sơn; các huyện Hà Trung, Vĩnh Lộc, Ngọc Lặc, Hoằng Hóa, Yên Định.
Cách làm này nhằm đơn giản hóa quá trình quản lý hành chính, tuy nhiên lại bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là thiếu sự gắn kết với truyền thống văn hóa – lịch sử lâu đời của địa phương. Phương án này cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận; nhiều người dân cho rằng phương án số hóa tên gọi này sẽ làm mất đi bản sắc riêng, khiến các địa danh, di tích nổi tiếng dần bị lu mờ.
Ví dụ, địa danh phường Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa gắn với tên của người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Cách đây 236 năm, vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, trên đường hành quân thần tốc ra Bắc Hà, vua Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn đã dừng chân tại mảnh đất Bỉm Sơn để chiêu binh luyện tướng, tập kết quân lương, luận bàn kế sách và làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Vì vậy địa danh Quang Trung được bấy lâu nay được chọn để đặt tên cho phường của thị xã. Khi sáp nhập, địa danh này không còn nữa mà thay bằng tên Bỉm Sơn 2. Khi đó, nhiều người dân địa phương bày tỏ sự băn khoăn, tiếc nuối khi địa danh Quang Trung gắn với người anh hùng và lịch của dân tộc sẽ không còn.
Ông Phạm Văn Tấn, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Thanh Hoá cho biết: “Theo tôi việc đặt tên theo số hoá là không ổn. Phần lớn là dư luận tôi thấy không đồng tình, nên căn cứ vào mấy tiêu chí như: theo đơn vị hành chính cũ, có thể lấy tên của đặc điểm địa lý, địa hình… Đặt tên này phải căn cứ vào tình hình thực tế cho phù hợp, được lòng dân, mà lòng dân là người ta muốn giữ niềm tự hào về quê hương, đất nước, con người… tên làng, tên tổng cũ, tên xã cũ thì lựa chọn để thực hiện. Giờ mà đặt 1 tên ghép nó vô nghĩa”.
Lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân cũng như các góp ý của chuyên gia, cử tri, tỉnh Thanh Hóa đã chính thức thay đổi phương án đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã, phường sau sáp nhập trên toàn tỉnh, trong đó có phường Quang Trung. Đây là bước điều chỉnh hợp lý, thể hiện sự cầu thị của chính quyền và nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Quyết định hợp lòng dân nói trên được cụ thể hóa tại Nghị Quyết số 648 ngày 28/4/2025 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Tại Nghị quyết này, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định sửa đổi tên của 49 đơn vị hành chính cấp xã mới (thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố) có gắn với số thứ tự như Yên Định từ 1 đến 7, Hoằng Hóa từ 1 đến 8, Nga Sơn từ 1 đến 6, Ngọc Lặc từ 1 đến 6, Nghi Sơn từ 1 đến 10.
Thay vào đó, các tên gọi mới sẽ được lựa chọn từ các địa danh nổi tiếng, di tích lịch sử,… có từ lâu đời, nổi tiếng tại từng địa phương.
Người dân vui mừng khi tên gọi địa phương không gắn số
Bà Đỗ Thị Hà, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa vui mừng khi xã mới của mình không còn đánh số (như dự tính) mà được lấy tên là xã Tây Đô (một tên gọi khác của Thành Nhà Hồ- Di sản văn hóa thế giới ). Tên gọi xã Tây Đô được đặt do sáp nhập 4 xã hiện tại, gồm: Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Tiến và Vĩnh Long có Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ. Thời nhà Hồ đặt kinh đô tại vùng đất này, lấy tên là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (ở Hà Nội hiện nay). Tên Tây Đô được điều chỉnh từ tên gọi xã Vĩnh Lộc 2 dự kiến trước đó.
Người dân nơi đây cho biết, tất cả mọi người đều thấy việc sắp xếp tên gắn với di sản Thế giới Thành nhà Hồ sẽ hợp với người dân hơn là sắp xếp theo số thứ tự.
![]() |
Người dân TP. Thanh Hóa vui mừng với tên gọi mới của phường không còn đánh số |
Thành phố Thanh Hóa (Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh) đã nghiên cứu kỹ, thận trọng tên gọi các đơn vị hành chính mới trên cơ sở các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa của địa phương và đề nghị đặt tên xã, phường sau sắp xếp gồm 7 phường là Hạc Thành, Đông Sơn, Hàm Rồng, Nguyệt Viên, Quảng Phú, Đông Quang, Đông Tiến.
Người dân rất hài lòng với tên gọi mới của xã, phường sau sáp nhập giữ được dấu ấn truyền thống, phản ánh lịch sử, văn hóa và đặc trưng của địa phương.
Người dân phường mới của thành phố mang tên Hạc Thành chia sẻ, năm 1804, vua Gia Long quyết định dời trấn thành Thanh Hóa về làng Thọ Hạc, đặt tên là Hạc Thành. Lý do là vì nơi đây có vị trí giao thông thủy bộ cực kỳ thuận lợi, dễ dàng kết nối giữa Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sau khi sáp nhập phường Hạc Thành với quy mô dân số gần 200.000 người, trở thành phường đông dân nhất Việt Nam. Đây là phường được thành lập trên cơ sở các phường trung tâm của thành phố Thanh Hóa hiện nay.
Không đơn thuần chỉ là một tên gọi với ý nghĩa hành chính, tên của xã, phường còn là hồn cốt văn hóa, gắn bó với nhiều thế hệ người dân, lưu giữ ký ức và là niềm tự hào của mỗi người khi nhắc đến. Vì vậy, việc đặt tên đơn vị hành chính mới cần phải tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo các yếu tố gắn kết và phát triển bền vững. Tên gọi mới được đông đảo người dân đồng tình sẽ tạo động lực để người dân thêm yêu mảnh đất mình đang sống, cùng nhau đoàn kết để xây dựng quê hương ngày càng phát triển đẹp giàu.
Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa, sẽ thực hiện sắp xếp 529 đơn vị hành chính cấp xã thành 166 đơn vị hành chính cấp xã mới, gồm: 18 phường, 148 xã (73 xã đồng bằng, 75 xã miền núi). Số xã giáp nước bạn Lào là 16 đơn vị. Toàn tỉnh giảm 381 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay, tương ứng giảm 69,65%. |