Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, theo đó, Thanh Hóa đạt 63,67 điểm và đứng thứ 47/63 tỉnh thành trên cả nước, mức thấp nhất trong suốt quá trình 10 năm gần đây khi VCCI công bố bộ chỉ số này.
Tụt hạng nhanh nhất
Cách đây đúng 10 năm, khi VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, một chỉ số rất quan trọng đánh giá về môi trường đầu tư và kinh doanh các địa phương trong cả nước, chỉ số xác định “môi trường sống” của doanh nghiệp trên địa bàn thông qua 6 điểm số thành phần quan trọng thì Thanh Hóa đạt 61.59 điểm và đứng thứ 8 trên 63 tỉnh thành trên cả nước.
Hầu hết các doanh nghiệp tại thời điểm năm 2013 đều có chung nhận xét: tại Thanh Hóa việc tiếp cận đất đai khá thuận lợi, tỉnh luôn đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp rất thuận lợi do tỉnh luôn có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới mà không có bất cứ cản trở, phiền hà nào.
Không chỉ có vậy, mọi chính sách, quy định, tiêu chuẩn và đặc biệt là thông tin về các dự án trong tỉnh được công bố một cách công khai, doanh nghiệp muốn tìm hiểu rất dễ, qua đó tính minh bạch cũng được doanh nghiệp đánh giá cao.
Bên cạnh đó, tính tiên phong và năng động của Lãnh đạo tỉnh cũng được coi là điểm cộng mà doanh nghiệp nhận xét và cho điểm. Nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh giải quyết nhanh gọn, dứt khoát, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Tuy vậy, chỉ 10 năm sau đó, năm 2022, chỉ số PCI của Thanh Hóa đã quay đầu nhanh chóng. Từ thứ hạng đứng thứ 8, PCI của Thanh Hóa đã “tăng tốc thụt lùi” và ‘cán đích” ở thứ hạng 47/63 tỉnh thành trên cả nước, khiến không chỉ Lãnh đạo mà ngay cả doanh nghiệp địa phương cũng cảm thấy e ngại.
Môi trường kinh doanh khó cạnh tranh
Nhận xét về thứ hạng này, một chuyên gia kinh tế cho rằng kết quả trên là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi mấy năm trở lại đây môi trường kinh doanh ở Thanh Hóa là khá xấu, các doanh nghiệp kêu ca khá nhiều. Trong khi các tỉnh thành khác trên cả nước cải thiện chỉ số và tổng điểm tăng khá tích cực thì tại Thanh Hóa không những điểm các chỉ số không tăng mà còn tình trạng một số chỉ số thụt lùi.
Điển hình của việc đó phải kể đến đó là điểm số Gia nhập thị trường. Nếu như năm 2013, điểm số này là 8,85 thì đến năm 2022 điểm số này chỉ còn lại là 6,54, thấp nhất trong suốt 10 năm qua. Điều này có nghĩa là để có thể thành lập và hoạt động một doanh nghiệp mới thì tại Thanh Hóa doanh nghiệp rất khó khăn, vất vả.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp có thể tồn tại và hoạt động ổn định đó là đất đai để xây dựng trụ sở, nhà xưởng thì trong 3 năm gần nhất doanh nghiệp ngày càng khó tiếp cận. Nếu như năm 2020 điểm số Tiếp cận đất đai của Thanh Hóa là 6.94 điểm thì năm 2022 điểm số này đã lùi về con số 6.47.
Nhận xét về sự cải thiện Chỉ số Năng lực cấp tỉnh PCI của Thanh Hóa trong thời gian tới, một chuyên gia kinh tế khẳng định: Nếu quan sát điểm số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” của Thanh Hóa trong 6 năm liên tiếp vừa qua chúng ta thấy rõ sự thụt lùi đáng báo động. Trong khi các tỉnh thành trên cả nước đều hướng tới doanh nghiệp và có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực và được các doanh nghiệp đánh giá tốt thì năm 2022 chỉ số này của Thanh Hóa lại thấp nhất trong 6 năm trở lại đây. Nếu Thanh Hóa không có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mang tính đột phá, tỉnh này không những không trụ được vị trí thứ 47 mà còn nguy cơ tiếp tục thụt lùi hơn nữa.
PV
Kì 2: Doanh nghiệp ngày càng kêu khó ở - Chính quyền nói gì?