Là một trong những trọng điểm du lịch khu vực miền Bắc, thế nhưng, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là vấn đề được đặt ra cho tỉnh Thanh Hóa. Càng khó hơn khi hoạt động du lịch trong thời gian qua chững lại do dịch bệnh nên khó tránh khỏi việc dịch chuyển lao động trong lĩnh vực này.
Giữ chân nguồn nhân lực du lịch
Do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến một lượng lớn lao động du lịch không có việc làm, đã đi tìm việc làm mới. Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng chiếm một phần không nhỏ. Vì vậy để khôi phục và phát triển ngành du lịch sau đại dịch thì nguồn nhân lực du lịch cần được tăng cường đào tạo. Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, để khi du lịch hồi phục hoàn toàn có thể cung cấp ra thị trường lực lượng lao động chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ, trong thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, song nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã cố gắng giữ chân nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, áp dụng các cơ chế chính sách phù hợp về tiền lương, đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực.
Để nâng cao chất lượng nguồn du lịch,những năm gần đây, Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế, nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời, chú trọng đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Trong tình hình hiện nay, việc tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch; đồng thời, chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động du lịch, lại càng trở nên quan trọng.
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 900 cơ sở lưu trú, trong đó có gần 200 khách sạn được xếp hạng từ 1 - 5 sao (3 khách sạn 5 sao, 5 khách sạn 4 sao, 29 khách sạn 3 sao, 163 khách sạn 1 - 2 sao); gần 150 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay cùng hệ thống các trung tâm mua sắm như: Trung tâm Thương mại Vincom Plaza; Vincom Tĩnh Gia; hệ thống các cửa hàng VinMart; Siêu thị Coopmark; Siêu thị BigC... (trong đó, có 2 đơn vị được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch gồm: Vincom Plaza và Vincom Tĩnh Gia). Ngoài ra, còn có các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, nhà hàng...
Chính vì thế mà cơ hội việc làm đối với lao động chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch là rất lớn. Với địa phương được nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch như Thanh Hóa, nguồn nhân lực chất lượng cao lại càng trở nên cần thiết. Nguồn lực này chính là “vũ khí” cạnh tranh quan trọng trong bối cảnh hội nhập. Đặc biệt, với những vị trí quản lý, yêu cầu cao nhất vẫn là trình độ quản lý, kỹ năng nghiệp vụ.
Thực tế trên cho thấy, ngoài các giải pháp khắc phục khó khăn trong thời điểm hiện nay, ngành du lịch Thanh Hóa cần chú trọng đến việc giữ chân nguồn nhân lực chất lượng, có kinh nghiệm và phát triển đội ngũ này. Đây được xem là sự chuẩn bị quan trọng để sẵn sàng cho những bước phục hồi và thực hiện chiến lược phát triển du lịch một cách căn cơ, bền vững hơn trong thời gian tới.
Bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cộng đồng
Từ ngày 12-14/10, tại khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước (Thanh Hóa), Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Bá Thước đã khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Bá Thước năm 2021.
Đây là cơ hội cho những người làm công tác du lịch giao lưu, học hỏi, xây dựng mối liên kết đối tác nhằm đa dạng hóa các dịch vụ và sản phẩm du lịch. Qua đó, góp phần thúc đẩy mô hình du lịch cộng đồng phát triển trong chiến lược phát triển chung của du lịch huyện Bá Thước.
Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cộng đồng nhằm giúp các học viên hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và lợi ích của việc phát triển du lịch cộng đồng; kiến thức, kỹ năng phục vụ du khách; cách làm và kinh nghiệm phát triển mô hình du lịch cộng đồng để các hộ làm kinh doanh du lịch cộng đồng có thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Để nhanh chóng khôi phục và phát triển du lịch sau đại dịch ngoài những chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thì những lớp học tập huấn lao động du lịch tại chỗ như thế này là hết sức cần thiết. Việc làm này cần được triển khai nhanh chóng và nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh.
Minh Hiền