Thanh Hóa: Hơn 2000 doanh nghiệp thành lập mới, đứng thứ 7 cả nước

16:09 16/10/2021

Mặc dù chịu ảnh hưởng nhiều do dịch Covid-19, song 9 tháng đầu năm, tỉnh Thanh Hóa đã có 2.072 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bằng 69,1% KH, tăng 9,3% so với cùng kỳ, đứng thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới.

Doanh nghiệp Thanh Hóa vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh theo phương châm “an toàn để sản xuất và sản xuất phải an toàn”

Doanh nghiệp Thanh Hóa vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh theo phương châm “an toàn để sản xuất và sản xuất phải an toàn”.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 15,26% so với cùng kỳ. Hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn hoạt động bình thường, chỉ một số ít doanh nghiệp tạm dừng trong ngắn hạn để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, nguồn cung nguyên liệu tốt, thị trường ổn định, một số doanh nghiệp tăng công suất để bù đắp sản lượng bị sụt giảm tại các cơ sở phía Nam… nên sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng, có 20/25 sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp và sản phẩm các làng nghề truyền thống phát triển ổn định, chất lượng sản phẩm được nâng lên; có thêm 05 Cụm công nghiệp được thành lập, nâng tổng số CCN được thành lập trên địa bàn lên 36 CCN.

Hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư được tổ chức triển khai thực hiện linh hoạt và đạt kết quả tích cực. Trong 9 tháng đầu năm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã làm việc trực tiếp và trực tuyến với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn như Ngân hàng phát triển Châu Á, Foxconn, WHA (Thái Lan), T&T, TNG, AeonMall, Đại sứ quán các nước Đan Mạch, Hungary, Nhật Bản, Ấn Độ…; ký thỏa thuận hợp tác về phát triển du lịch với Tổng cục Du lịch và Tổng công ty Viễn thông Mobifone, ký Biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý tài sản Á Châu về đầu tư dự án Trung tâm Logistics Bắc Trung bộ và Hạ tầng KCN số 6 tại KKT Nghi Sơn; thành lập Bộ phận Hỗ trợ Nhật Bản tại tỉnh Thanh Hóa (Japan Desk).

9 tháng đầu năm Thanh Hóa thu hút được 73 dự án đầu tư trực tiếp (07 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 21.853 tỷ đồng và 42,7 triệu USD; có 05 dự án điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng 14,8 triệu USD. Cũng trong thời gian này, tỉnh Thanh Hóa đã có 2.072 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đứng thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới, có 837 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động (tăng 25,7%), có 1 doanh nghiệp Khoa học Công nghệ được cấp giấy chứng nhận và thành lập 1 Câu lạc bộ Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa.

Tình hình lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định; 9 tháng đã giải quyết việc làm cho 38.500 lao động, tăng 21% so với cùng kỳ; giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 17.076 người, giảm 25,3%. Đã kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 với tổng số tiền khoảng 25 tỷ đồng.

Song thời gian 9 tháng đầu năm tình hình phát triển, tăng trưởng của doanh nghiệp, mức độ đầu tư, triển khai các dự án còn nhiều hạn chế, bất cập. Tiến độ triển khai thực hiện các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm; chưa có sẵn diện tích lớn đất sạch trong các khu, cụm công nghiệp để kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư; tiến độ thực hiện và giải ngân một số dự án ODA còn gặp khó khăn, vướng mắc do để phát sinh tăng chi phí GPMB. Một bộ phận doanh nghiệp còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể, chấm dứt hoạt động tăng so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng có 1.135 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 28,2%; có 243 doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động, tăng 2,3 lần.

Để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra từ đầu năm, trong bối cảnh của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức, tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa tiếp tục theo dõi, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh theo phương châm “an toàn để sản xuất và sản xuất phải an toàn”, không làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lao động, nguyên liệu sản xuất.

Tranh thủ tình hình dịch bệnh ổn định để thu hút đầu tư, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất các ngành khu vực phía Nam đang bị ảnh hưởng để chiếm lĩnh thị trường, tạo việc làm cho lao động trở về từ các tỉnh phía Nam.  Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ.

Tập trung hoàn thành các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh, nhất là các dự án hạ tầng trong Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp; dự án Đại lộ Đông - Tây thành phố Thanh Hóa; đường vành đai Đông - Tây... Chủ động rà soát thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; tăng cường kiểm tra, cương quyết dừng thực hiện các dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư vi phạm cam kết về tiến độ, thời gian thực hiện.

Xây dựng kế hoạch khởi công mới các dự án quy mô lớn, trọng điểm trong quý IV năm 2021 và đầu năm 2022 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tạo dư địa cho phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.

Minh Hiền