Theo đó, Kết quả phân tích các mẫu cá cho thấy không có dấu hiệu cá bị nhiễm nấm, vi khuẩn hay vi rút. Có một số mẫu cá cho thấy cá có bị nhiễm ký sinh trùng, tuy nhiên cơ quan chức năng cũng khẳng định, điều này chỉ gây ra các tổn thương sung huyết tơ mang, cản trở quá trình hô hấp, nhưng đó không phải là nguyên nhân dẫn đến cá bị chết.
Đối với kết quả phân tích các mẫu nước cho thấy, hàm lượng N- NH4+ vượt từ 1,04- 1,52 lần; hàm lượng TSS cao từ 1,46- 1,48 lần so với quy định. Tuy nhiên đơn vị chuyên môn cũng kết luận, các chỉ số này cũng chỉ có thể hạn chế sự phát triển của cá, giảm sức đề kháng chứ không phải là nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt trong một thời gian ngắn.
Như vậy sau nhiều ngày xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng trên sông Lạch Bạng chết bất thường, mẫu cá và mẫu nước được gửi đến trung tâm quan trắc môi trường- dịch bệnh miền Bắc, đến nay vẫn chưa có kết luận về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết.
Trước đó, như đã đưa tin, gần 45 tấn cá nuôi lồng trên sông Lạch Bạng thuộc khu vực xã Xuân Lâm (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) có hiện tượng chết bất thường. Tại khu vực cá chết, nước chuyển màu đen kịt, nổi váng, bốc mùi hôi thối.
Liên quan đến Sông Lạch Bạng, đoạn chảy qua phường Xuân Lâm và Hải Bình (Nghi Sơn, Thanh Hóa), Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa cũng vừa ra công văn buộc tạm dừng hoạt động đối với 2 đơn vị sản xuất chế biến hải sản, gồm Công ty TNHH chế biến hải sản Ngọc Sơn và Công ty CP thương mại vận tải và chế biến hải sản Long Hải, do hai đơn vị này dã xả thải trực tiếp nước thải không qua xử lý ra sông Lạch Bạng, gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường. Hai công ty này đóng trên địa bàn phường Hải Bình, cạnh bờ sông Lạch Bạng, đoạn các lồng cá của các hộ nuôi ở phường Xuân Lâm bị chết.
Cụ thể tại thời điểm kiểm tra tại Công ty TNHH chế biến hải Sản Ngọc Sơn đã phát hiện công ty không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Toàn bộ nước thải trong quá trình sản xuất được thu gom qua các tuyến mương về bể chứa, sau dó bơm thẳng ra sông Lạch Bạng.
Đối với công ty CP thương mại vận tải và chế biến hải sản Long Hải, tại thời điểm kiểm tra, hệ thống xử lý nước thải tập trung không hoạt động, nước thải trong quá trình sản xuất đang được xả thẳng ra sông lạch Bạng. Kiểm tra nguồn nước thải cho thấy, nước thải có màu đục, có nhiều bã bột cá, bốc mùi hôi thối và có nhiệt độ cao trên 600C.
Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa đã có công văn yêu cầu 2 đơn vị trên tạm dừng hoạt động sản xuất kể từ 25/7/2021. Đồng thời yêu cầu các đơn vị khắc phục các tồn tại, vi phạm nêu trên, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. có văn bản báo cáo gửi về Sở Tài nguyên & Môi trường và các đơn vị có kiên quan để được xem xét trước khi cho hoạt động trở lại.
Cũng liên quan đến vấn đề môi trường, tại hội nghị báo cáo kết quả thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường ngày 27/7, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cũng đã khẳng định: “Tỉnh Thanh Hóa kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển Kinh tế”.
Vì thế, người dân, đặc biệt là các hộ nuôi cá lồng ở Xuân Lâm đang đợi một kết luận cụ thể và chính xác về nguyên nhân gần 45 tấn cá đã bị chết bất thường từ phía các cơ quan chức năng.
Ngọc Lâm