Dự án du lịch thông minh tại Thanh Hóa được triển khai trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đã tập trung xây dựng ứng dụng du lịch thông minh và thành công số hóa nhiều địa điểm du lịch của Thanh Hóa với các tính năng như: Trải nghiệm du lịch VR 360; trải nghiệm du lịch nội khu bằng công nghệ thực tế ảo tăng cường AR; tìm kiếm và tra cứu thông tin du lịch.
Hiện tại tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Mobifone thực hiện số hóa du lịch tại các địa danh nổi tiếng như: Khu di tích Lam Kinh, Khu du lịch cộng đồng Pù Luông, Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, Đền Nưa - Am Tiên… Trong giai đoạn 2 sắp tới, sẽ tập trung phát triển các tính năng nâng cao về kết nối các tổ chức lưu trú, lữ hành, nhà hàng, khu giải trí.
Cùng với lễ ra mắt này, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các khu du lịch trọng điểm, trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch tự động. Tỉnh Thanh Hóa hướng đến mục tiêu 100% các khu, điểm du lịch trọng điểm được lắp dựng hệ thống mạng internet không dây công cộng phục vụ khách du lịch; 100% máy tra cứu thông tin du lịch, dịch vụ được lắp tại các khu du lịch trọng điểm, Cảng hàng không Thọ Xuân, ga Thanh Hóa, cửa khẩu quốc tế Na Mèo…
Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai các sản phẩm thực tế ảo, thực tế tăng cường tại các khu, điểm du lịch cũng như khẩn trương hoàn thiện dự án Cổng thông tin điện tử về du lịch và ứng dụng du lịch thông tin trên thiết bị di động tại tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó, Thanh Hóa sẽ nghiên cứu cập nhật, số hóa dữ liệu du lịch cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong đăng ký điểm đến, dịch vụ an toàn trên bản đồ ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, chào và bán dịch vụ online, thanh toán trực tuyến...
Lam Kinh - Lam Sơn (huyện Thọ Xuân) là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra người anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh xâm lược và là nơi lưu giữ những kiến trúc, di sản văn hóa vô cùng quý giá của triều đại Hậu Lê. Trải qua những biến cố trong lịch sử, quần thể kiến trúc Điện Lam Kinh đã gần như không còn. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các hạng mục di tích tại Lam Kinh đã được nghiên cứu, bảo tồn, nhiều hạng mục di tích đã được phục dựng, tu bổ, dần dần tái hiện phần nào diện mạo ban đầu của Điện Lam Kinh. Năm 2010 Chính điện Lam Kinh chính thức được khởi công bảo tồn, phỏng dựng trên cơ sở nền móng và hệ thống chân tảng còn lại qua các lần khai quật khảo cổ.
Theo các nhà nghiên cứu, khảo cổ, các nhà khoa học, Chính điện Lam Kinh là công trình kiến trúc gỗ lớn nhất và phức tạp nhất, do đó, phải mất nhiều thời gian, công sức để tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm vật liệu, sản xuất các mẫu trang trí con giống, hoa văn và lựa chọn phương án thi công, bảo đảm đúng quy trình thi công thủ công truyền thống. Đến nay Chính điện đã hoàn thành, với kiến trúc mang đậm phong cách nhà Lê; kết cấu là một công trình kiến trúc gỗ được chạm khắc tỉ mỉ, công phu, với hơn 2.000m3 gỗ lim được thợ lành nghề thi công trong suốt nhiều năm.
Đây được xem là công trình bằng gỗ lim lớn nhất Việt Nam hiện nay. Ngoài ra các hoa văn trang trí trên bề mặt cấu kiện gỗ hình rồng; các linh vật, vân mây, hoa lá thời Lê, chạm nổi, chạm bong một số lớp có độ sâu dao động từ 10 cm – 20 cm. Mái lợp ngói mũi hài phục chế bằng đất nung… Phần nội thất Chính điện cũng cơ bản được hoàn thiện. Có thể khẳng định, sự hiện hữu của tòa Chính điện ví như linh hồn của di sản, mang lại cho Lam Kinh diện mạo của một kinh đô cổ xưa trên vùng đất xứ Thanh địa linh, nhân kiệt. Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định: “Việc Thanh Hóa tổ chức lễ ra mắt sản phẩm du lịch thông minh và đón khách tham quan Chính điện Lam Kinh là sự kiện ý nghĩa và kịp thời khi Việt Nam chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Với sự hỗ trợ của công nghệ số, các tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc của Thanh Hóa sẽ được nâng tầm, mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo, tạo ra diện mạo mới đầy sức hút của du lịch xứ Thanh”. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng mong muốn tỉnh Thanh Hóa sẽ khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tập trung chuyển đổi số, tạo bước đột phá phát triển du lịch thông minh.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Viêc chính thức công bố đón khách du lịch vào thăm quan Chính điện Lam Kinh và triển khai ứng dụng du lịch thực tế,tại khu di tịch lịch sử Lam Kinh sẽ tăng thêm sức hấp dẫn cho du khách thập phương, đây là cú hích quan trọng để sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử tâm linh của Thanh Hóa có được vị trí xứng đáng và ngày càng thu hút khách du lịch đến thăm quan.
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, Tổng cục Du lịch đã tiến hành nghi thức mở cửa đón du khách vào tham quan Chính điện Lam Kinh và các điểm đến khác trong khu Di tích lịch sử Lam Kinh.
Quang Thắng