Bộ chỉ số DDCI được xây dựng gồm 8 thành phần: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động và vai trò của người đứng đầu, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ DN, thiết chế pháp lý, tiếp cận đất đai. Trong đó, các chỉ số từ 1 đến 7 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 25 các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các chỉ số từ 1 đến 8 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 27 UBND cấp huyện, thị xã, thành phố.
Năm 2022 là năm thứ hai tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện Đề án DDCI Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025.
Việc triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện tỉnh Thanh Hóa năm 2022 có một số điểm mới như: Phạm vi, quy mô các doanh nghiệp tham gia khảo sát, đánh giá DDCI năm 2022 được mở rộng với sự tham gia của 1.276 doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh), cao hơn 13,5% so với năm 2021; số phiếu khảo sát thu về năm 2022 là 2.746 phiếu cao hơn gấp 2,6 lần so với năm 2021; tăng cường số phiếu khảo sát online (đạt trên 60%); đã sửa đổi, bổ sung một số câu hỏi, phương án trả lời để thông tin thu về chính xác và có tính phân loại cao hơn; đồng thời, các khảo sát viên đã thường xuyên, tích cực trực tiếp xuống địa bàn để hướng dẫn các doanh nghiệp trả lời Phiếu khảo sát.
Theo kết quả công bố, ở khối huyện, UBND huyện Thọ Xuân dẫn đầu với 90,03 điểm. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp UBND huyện Thọ Xuân xếp thứ nhất trên bảng xếp hạng DDCI Thanh Hóa. Cùng với Thọ Xuân, có thêm 5 UBND cấp huyện được xếp hạng nhóm tốt, bao gồm: Như Thanh, Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Nga Sơn và Quảng Xương. Xếp cuối cùng bảng xếp hạng khối các huyện là UBND thị xã Nghi Sơn với 48,60 điểm.
Ở khối các sở, ban, ngành, Cục Hải quan Thanh Hóa xếp thứ nhất với điểm số 85,10 điểm. Tiếp theo là 6 đơn vị được xếp hạng trong nhóm tốt, bao gồm: Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, BHXH tỉnh và Thanh tra tỉnh. Đơn vị xếp cuối bảng xếp hạng khối sở, ban, ngành là Sở Tài nguyên và Môi trường với điểm số 45.16 điểm.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Số liệu công bố DDCI năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa đã phản ánh trung thực, khách quan và đã phân tích được bức tranh về năng lực cạnh tranh của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Kết quả này cũng thể hiện sự hưởng ứng, ủng hộ và tham gia khảo sát của các doanh nghiệp đang dần tăng lên; sự phối hợp giữa VCCI Thanh Hóa với cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ngành ngày càng thông suốt, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện Đề án DDCI tỉnh Thanh Hóa.
Ông Tuấn đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, phối hợp với VCCI Thanh Hóa trong việc triển khai thực hiện Đề án DDCI, đặc biệt là cần phải công tâm, khách quan, hiểu đúng, trả lời đúng mẫu phiếu khảo sát; đồng thời, luôn tự giác nâng cao tính phản biện, góp ý hoàn thiện quy trình, phương pháp và nội dung phiếu khảo sát đánh giá DDCI tỉnh Thanh Hóa hàng năm.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch VCCI Việt Nam Phạm Tấn Công nhấn mạnh, kể từ khi tỉnh Thanh Hóa triển khai đề án DDCI năm 2021 đã khẳng định, địa phương đã có những quyết tâm trong việc giám sát, cải thiện chất lượng thực thi tại cơ sở. Các chỉ số, thứ bậc xếp hạng từ bộ chỉ số này sẽ là cơ sở để các đơn vị nhìn nhận lại mức độ hoàn thành công việc của mình, những hạn chế cần khắc phục, hướng tới mấu chốt tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN. Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng nhấn mạnh, hiện nay tại Thanh Hoá đã và đang hình thành, đón nhận các dự án, DN, tập đoàn lớn. Việc tỉnh có những phương án quyết liệt để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ là cơ hội để các DN phát triển lớn mạnh trong thời gian tới.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa- Cao Tiến Đoan cho rằng: Kết quả DDCI đã tạo “sức nóng” để mỗi sở, ngành, địa phương trong tỉnh nhìn nhận lại chất lượng điều hành của đơn vị mình, để có những giải pháp mạnh mẽ, nhất là những quyết sách tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư lớn hơn. Mong rằng năm 2023 và những năm tiếp theo, chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh sẽ được nâng cao cả về hiệu lựcvà hiệu quả; đồng thời chỉ số PCI của Thanh Hóa sẽ vươn lên vị trí xứng tầm của một tỉnh phát triển.
Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hóa phát biểu: VCCI Thanh Hóa đã nỗ lực triển khai khảo sát DDCI năm 2022 đúng quy định, đảm bảo các nguyên tắc sát thực tế, gắn trách nhiệm cụ thể, khả thi, chính xác, khoa học, minh bạch, và đặc biệt là mang tính bảo mật cao, để từ đó DN được thể hiện quyền lợi và trách nhiệm của mình bằng việc trả lời khảo sát một cách công tâm và khách quan nhất. Chính vì vậy, việc các đơn vị và các địa phương xếp hạng cao hay thấp, tăng hay giảm phụ thuộc vào đánh giá của chính các DN có tương tác với đơn vị và địa phương đó.
Ông Hiệu khẳng định: DDCI Thanh Hóa năm 2022 cũng ghi nhận sự tham gia tích cực và tiếng nói mạnh mẽ hơn, thẳng thắn hơn từ phía cộng đồng DN với rất nhiều những ý kiến phản ánh, kiến nghị được thể hiện trong phiếu khảo sát. Điều này đồng nghĩa với việc DN đã và đang đặt niềm tin vào DDCI, vào một cuộc khảo sát thực chất, không làm vì hình thức, vì trào lưu mà xuất phát từ những nỗ lực và mong muốn cải cách của tỉnh. Chúng tôi vẫn muốn nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt rằng, giá trị và sản phẩm quan trọng nhất của DDCI không phải là bảng xếp hạng thứ bậc của các sở, ban, ngành, huyện, thị mà chính là những bài học kinh nghiệm, những dư địa cải cách được phát hiện và những khoảng cách cần được thu hẹp giữa nỗ lực của chính quyền và kỳ vọng của DN.
Minh Hiền