Thận trọng việc mở rộng diện tích trồng trước 'cơn sốt' giá sầu riêng, thanh long

09:43 07/02/2023

Cơ quan quản lý và doanh nghiệp khuyến cáo người dân không nên vì thấy giá cao mà ồ ạt mở rộng diện tích trồng hai loại quả sầu riêng, thanh long.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, cho biết giá thanh long đang ở mức cao từ trước Tết Nguyên đán tới giờ. Giá tăng chủ yếu do thị trường Trung Quốc tăng sức mua. Tuy nhiên, giá thanh long cao nhưng sản lượng sụt giảm 50%, do những năm trước các nhà vườn phá bỏ diện tích khoảng 30%, không chăm sóc để vườn cằn cỗi khiến năng suất và sản lượng suy giảm. Nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu lớn thì tất yếu là giá phải lên cao.

Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An bày tỏ nỗi lo trong bối cảnh giá cao như hiện nay, nhiều bà con sẽ ồ ạt mở rộng diện tích, nếu không kiểm soát chặt về chất lượng, quy hoạch vùng trồng, mặt hàng này sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa, mất giá”.

Tại tỉnh Tiền Giang, hiện diện tích trồng sầu riêng tập trung ở 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy, riêng các xã vùng lũ phía bắc Quốc lộ 1 thời gian qua cũng đã ào ạt chuyển đổi đất lúa năng suất thấp sang sầu riêng khiến diện tích loại trái cây này vượt 5.000 ha so với kế hoạch đến năm 2025. Mặc dù từ tháng 7.2022, Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng tươi, song hiện tình hình xuất khẩu còn hạn chế nên vẫn đáng lo về tình trạng rộ mùa dội chợ như trước đây. Chính vì vậy, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang không khuyến khích phát triển thêm diện tích trồng sầu riêng mà cần tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia vào vùng trồng để được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng.

Đắk Lắk là địa phương có diện tích sầu riêng đứng thứ 2 trong cả nước (sau tỉnh Tiền Giang), với diện tích khoảng 15.000 ha, sản lượng hằng năm lên tới 150.000 tấn. Trong đó, H.Krông Pắc là vùng sản xuất sầu riêng trọng điểm của tỉnh, với tổng diện tích hơn 3.300 ha; sản lượng bình quân 45.000 - 50.000 tấn/năm. Với tốc độ chuyển dịch sang trồng sầu riêng hiện nay, dự kiến năm 2030 sản lượng sầu riêng của tỉnh lên đến 300.000 tấn/năm.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, nhận định: "Sầu riêng là loại cây có giá trị cao, không chỉ tiêu thụ tốt trong nước mà còn xuất khẩu, đặc biệt sau khi Trung Quốc ký kết đưa sầu riêng vào mặt hàng xuất khẩu chính ngạch, tạo ra cú hích lớn cho người sản xuất lẫn doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đổ xô đi trồng sầu riêng sẽ mang lại nhiều tác động khó lường. Cây sầu riêng phải trồng ít nhất 5 năm mới có quả ổn định. Trong khi đó, việc cấp mã số vùng trồng để xuất sang Trung Quốc phải được giám sát chặt chẽ, không được trồng xen canh. Ngoài ra, đối thủ của VN là Thái Lan cũng đang mở rộng diện tích để trồng sầu riêng, áp lực cạnh tranh sẽ rất lớn nếu tiếp tục mở rộng diện tích".

 

Sầu riêng Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ ngày 11/7. Ảnh: Internet
Sầu riêng Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ ngày 11/7/2022. Ảnh: Internet.

Hiện nay việc quản lý được thực hiện theo kinh tế thị trường, tức là ngành nông nghiệp phải có trách nhiệm thông tin thị trường nhiều nhất để bà con hiểu rõ, đừng chuyển rủi ro ngành này sang ngành hàng khác. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng nhiều ngành hàng quy mô lớn để nâng cao năng lực bảo quản, chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm hơn.

Ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng việc chuyển đổi cây sầu riêng cũng như các loại cây ăn trái nói chung không nên thực hiện ồ ạt, bởi khi đó sẽ thiếu đi nguồn giống chất lượng cao để đáp ứng. Cây ăn trái cần có thời gian dài để chăm sóc, nếu chất lượng không đạt sẽ mang lại hiệu quả thấp, thậm chí thiệt hại cho bà con. Thực tế cũng cho thấy, bài học khi nhiều loại cây trồng trước đây phát triển mà không có sự chuẩn bị, cứ phát triển đến lúc thị trường không tiêu thụ được lại cần phải “giải cứu”.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) khuyến cáo người dân và địa phương không nên mở rộng diện tích nữa mà cần tập trung duy trì mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, nâng cao hơn nữa chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm. Thay vì tìm cách tăng diện tích, sản lượng, ngành hàng sầu riêng nên xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối.

Lâm Nghi t/h