Thách thức “thép xanh”

10:35 03/10/2023

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU sẽ có hiệu lực trong giai đoạn chuyển tiếp vào ngày 1-10-2023. Sản xuất sắt thép là một trong những ngành phát thải nhiều carbon nhất bị điều chỉnh bởi cơ chế này.

Cơ chế CBAM có ảnh hưởng rất lớn với ngành thép Việt Nam, bởi đây là ngành sản xuất “nhạy cảm” cảm với môi trường. Các doanh nghiệp thép Việt Nam phải thay đổi công nghệ để phát triển. Đây có thể là động lực thúc đẩy “xanh hóa” ngành thép Việt.

Yêu cầu "xanh" với ngành thép

Nhớ lại hồi năm 2020, Tập đoàn Hoa Sen Hoa Sen đã phải chuyển nhượng toàn bộ vốn góp và giải thể 6 công ty được thành lập để phát triển dự án Khu liên hợp thép tại Cà Ná, Ninh Thuận. Đây là dự án rất lớn, có vốn hơn 16 tỷ USD, sản lượng thép dự kiến đạt 16 triệu tấn thép mỗi năm. Nguyên nhân dự án thép này bất thành là do bị dư luận phản ứng, lo ngại ảnh hưởng đến môi trường.

Gần đây, dự án thép Lộ Diêu (Phù Mỹ, Bình Định) cũng gây rất nhiều tranh luận cũng vì lo ngại ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Số phận của dự án này vẫn còn lơ lửng.

Gần nhất, Tập đoàn Hòa Phát đang triển khai tại Khu kinh tế Nam Phú Yên một tổ hợp công nghiệp lớn, gồm: Dự án kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm; Dự án cảng Bãi Gốc; Dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát (tại Khu công nghiệp Hòa Tâm) và Dự án Khu thương mại - Dịch vụ, với tổng mức đầu tư khoảng 120.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD). Dự án này có vẻ suôn sẻ, Tập đoàn Hòa Phát cam kết sẽ đầu tư trang thiết bị công nghệ, hệ thống công trình bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn châu Âu, G7, G20 và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của Việt Nam tại các dự án trên.

Điều quan trọng là Hòa Phát có đáp ứng được Cơ chế CBAM hay không. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, Hòa Phát sẽ thất bại vì không chỉ sẽ bị dư luận phản đối mà sản phẩm làm ra làm sao xuất khẩu được!

Ngành thép - một trong những ngành sử dụng năng lượng rất lớn và phát thải nhiều, dễ gây ô nhiễm nên rất nhạy cảm. Việc các dự án sản xuất thép bị dư luận phản ứng tất cả đều do lo ngại về môi trường. Việc EU đưa cơ chế CBAM vào tiêu chuẩn sản xuất thép, buộc các nhà sản xuất thép Việt Nam phải thúc đẩy nhanh hơn quá trình sản xuất xanh, giảm phát thải để tăng xuất khẩu vào EU, cũng giải quyết vấn đề tồn tại bấy lâu nay của ngành thép nước ta.

Sản xuất thép mạ ít gây oonhieexm hơn sản xuất thép
Sản xuất thép mạ ít gây ô nhiễm hơn sản xuất thép.

Cơ chế CBAM ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thép

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu thép của Việt Nam sang EU trong thời gian này tiếp tục gặp thuận lợi. Cụ thể, ngày 26-6-2023, EU sửa đổi quy định về việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu - có hiệu lực từ 1-7-2023. Theo quy định mới, bất kỳ thành viên nào của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là nước đang phát triển đều được miễn trừ áp dụng nếu tỷ trọng xuất khẩu của nước đó vào EU duy trì dưới 3% tổng kim ngạch nhập khẩu đối với từng loại sản phẩm. Việt Nam, cùng với nhiều nước khác được hưởng lợi từ quy định mở rộng hạn ngạch này.

Theo Tổng cục Hải quan, lượng sắt thép các loại xuất khẩu trong tháng 5 của năm 2023 đạt 1,13 triệu tấn. Lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 4,38 triệu tấn, tương đương 3,4 tỉ USD; tăng 10,4% về lượng nhưng giảm 15% về giá trị so với cùng kỳ 2022. Trong EU, Ý là nước nhập khẩu thép của Việt Nam nhiều nhất với gần 696.000 tấn, tăng 121% so cùng kỳ năm trước. Ngoài EU, xuất khẩu sang Malaysia đạt 383.000 tấn, tăng 23%; Mỹ với 297.000 tấn, tăng 4%...

Xuất khẩu là cách gần như duy nhất đang cứu ngành thép Việt Nam khi mà giá thép nội địa đang cận đáy và dự kiến còn khủng hoảng kéo đài đến hết năm 2023.

Nhưng đó chỉ là thông tin lạc quan trước mắt, bởi song song đó, với việc Cơ chế CBAM của châu Âu sẽ có hiệu lực trong giai đoạn chuyển tiếp vào ngày 1-10-2023 là một thách thức cho các DN xuất khẩu vào EU, trong đó có ngành thép, dù với CBAM, các DN Việt Nam sẽ có thời gian khoảng 3 năm chuyển tiếp trước khi CBAM chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2026 và vận hành hoàn toàn vào năm 2034.

Không thay đổi công nghệ để giảm phát thải carbon, các DN thép Việt Nam sẽ rất khó khăn, thậm chí không thể phát triển được.

Cơ chế CBAM là gì?

CBAM sẽ hướng tới việc đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước sở tại. Sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ phải chịu ảnh hưởng của cơ chế này. Trong đó, các sản phẩm từ sắt thép chiếm đến 96% giá trị của bốn mặt hàng xuất khẩu này.

Cơ chế CBAM được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ thí điểm từ tháng 10-2023, áp dụng ban đầu với các hàng hoá nhập khẩu, trong đó có ngành thép. Các DN xuất khẩu giai đoạn này chỉ phải khai báo mức phát thải. Giai đoạn 2, bắt buộc mua chứng chỉ phát thải CBAM, giai đoạn 3 mở rộng ngành hàng sẽ bắt đầu từ sau năm 2026.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép thế giới (WSA), năm 2022, ngành thép tạo ra mức phát thải tương đương với 3,5 tỷ tấn khí carbon, chiếm khoảng 7-8% tổng lượng khí nhà kính phát sinh toàn cầu. Cùng với hóa chất và xi măng, sắt thép là 1 trong 3 ngành công nghiệp có mức phát thải lớn nhất thế giới.

Phải sử dụng công nghệ mới

Ngành thép - một trong những ngành tiêu tốn năng lượng và phát thải lớn, buộc phải thúc đẩy nhanh hơn quá trình sản xuất xanh là tất yếu. Yêu cầu của ngành thép Việt Nam hiện nay là giảm phát thải không chỉ để tăng xuất khẩu vào EU mà còn hướng tới phục tiêu Net Zero đến năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP26.

Tuy vậy không dễ để các DN thép Việt Nam có thể thực hiện yêu cầu này. Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (ENERTEAM), hiện mức phát thải trung bình trong ngành thép của Việt Nam là 2,51 tấn CO2/tấn thép thô, trong khi mức trung bình của thế giới là 1,85 tấn CO2/tấn thép thô. Đó chỉ là một trong những khó khăn cho ngành thép.

Còn theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản xuất sắt, thép là ngành thải ra CO2 nhiều nhất. Hiệp hội Thép Thế giới ước tính ngành này đóng góp từ 7-9% tổng lượng khí thải do con người tạo ra trên toàn thế giới, với 2,6 tỷ tấn CO2 thải ra trong năm 2020.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tác động của CBAM đối với hoạt động xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang EU là một thách thức không nhỏ, nếu xét về ngắn và trung hạn, bởi nó đòi hỏi nguồn vốn lớn, công nghệ sản xuất tiên tiến. Tuy nhiên về dài hạn, đây là cơ hội cho các DN thép Việt Nam thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và phát triển bền vững, theo xu thế sản xuất xanh và tuần hoàn của thế giới. Để thực hiện được điều này, các DN thép cần kiểm kê khí nhà kính theo yêu cầu của Bộ Công Thương và CBAM nếu muốn xuất khẩu sang EU.

Phía EU rất kiên quyết với lộ trình thực hiện CBAM nên bắt đầu từ tháng 10-2023, các công ty thép; trong đó có Việt Nam phải thực hiện chế độ báo cáo, nếu thông tin không chính xác sẽ bị phạt rất nặng.

Các DN thép ở Việt Nam chủ yếu sản xuất thép mạ (như các tập đoàn Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á)…; Tập đoàn Hoà phát, Fomosa sản xuất thép, xuất khẩu thép xây dựng… Khó khăn trước hết là với các DN lớn sản xuất thép như Hòa Phát, POSCO, Formosa, những đơn vị luyện thép, gây phát thải rất lớn, cần nhanh chóng thay đổi công nghệ, nếu không sẽ không kịp.

Đại diện POSCO Hàn Quốc cho biết, để ứng phó với quy định này, POSCO Hàn Quốc đang hướng tới mục tiêu đến năm 2050 sẽ trung hòa carbon. Lộ trình từ nay tới năm 2040, POSCO sẽ giảm 50% lượng khí thải carbon. Hiện POSCO bắt đầu không dùng carbon sản xuất thép mà thay thế bằng hydro (công nghệ DRI, sử dụng khí hydro). Tất nhiên với công nghệ này chi phí sản xuất sẽ tăng lên.

Với các DN khác, hiện vẫn dùng công nghệ lò cao để luyện thép. Theo đó quặng sắt được khai thác từ mỏ thường chứa rất nhiều oxit sắt - các hợp chất hóa học có thành phần là sắt và oxy. Thành phẩm thép đòi hỏi việc loại bớt oxy trong hợp chất. Quá trình này bao gồm việc đưa quặng săt vào lò nung có mức nhiệt trên 1.000 độ C, khiến than cốc phản ứng với oxy và sản sinh ra CO2. Mỗi tấn thép sản xuất theo cách này sẽ thải ra gần 2 tấn CO2 ra môi trường. Đó là lý do các DN này phải chuyển đổi công nghệ sản xuất thép bằng oxy như POSCO đang tiến hành. Việc sản xuất thép bằng hydro có thể giảm tới 90% lượng CO2 trong công nghiệp sản xuất thép. HYBRIT chính là cơ sở áp dụng công nghệ như vậy.

Công nghệ này đã được áp dụng ở Thuy Điển từ năm 2021 bởi nhà máy thép SSAB. Tháng 8-2021, SSAB đã bàn giao lô 25 tấn thép tấm đầu tiên được sản xuất bằng công nghệ mới và dán nhãn không sử dụng nguyên liệu hóa thạch cho công ty sản xuất xe tải Volvo. SSAB đang đặt mục tiêu đến năm 2026 có thể sản xuất 1,5 triệu tấn thép không sử dụng nhiên liệu hóa thạch/năm.

Rào cản lớn nhất đối với việc mở rộng quy mô sản xuất là việc tiếp cận nguồn điện, đặc biệt phải sử dụng điện nguồn năng lượng tái tạo, trong khi nếu SSAB mở hết công suất để sản xuất từ sản lượng quặng sắt sở hữu, cần phải sử dụng tới 1/3 tổng lượng điện sạch tiêu thụ tại Thụy Điển.

Không chỉ SSAB dùng hydro để sản xuất thép. Tháng 3-2021, Công ty Thép Xanh H2 cũng của Thụy Điển đã công bố kế hoạch xây dựng một cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ mới dự kiến đi vào hoạt động năm 2024. Tháng 5-2021 vừa qua, Công ty HBIS (Trung Quốc) - một trong những nhà sản xuất thép lớn trên thế giới, thông báo cơ sở thí điểm sản xuất thép sử dụng hydro đã bắt đầu đi vào hoạt động… Trung Quốc đặt tham vọng sẽ đạt mức phát thải CO2 đỉnh điểm trước năm 2030 và đạt mức trung hoà CO2 trước năm 2060, giảm cường độ phát thải (lượng khí thải phát ra trên một đơn vị sản lượng kinh tế) hơn 65%. Điều này thúc đẩy các nhà máy sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc vạch ra lộ trình sản xuất xanh hơn, sử dụng khí hydro hoặc khí gas tự nhiên. Bên cạnh đó, công nghệ sắt hoàn nguyên trực tiếp (direct reduced iron- DRI) cũng sẽ phổ biến hơn.

Ưu điểm của việc dùng khí hydro để sản xuất thép là gần như loại hoàn toàn CO2 nhưng lại rất tốn nhiều điện, trong khi yêu cầu phải là điện tái tạo. Do vậy năng lượng tái tạo cho nhà máy thép lại là một vấn đề khó khăn nữa. Thách thức khác là giá thành lại cao hơn khoảng hơn 420 USD/tấn so với sản xuất thép truyền thống.

Với các DN cán thép, mạ thép như Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á… (không sản xuất thép, chỉ cán và mạ) thì “dễ thở” hơn nhưng cũng phải đáp ứng sản xuất xanh. Ông Trần Ngọc Chu, Phó Tổng Giám đốc Hoa Sen cho biết, Hoa Sen đang đi đúng hướng bằng việc xanh hóa nguồn điện cung cấp cho sản xuất, bằng sử dụng khí ga và điện áp mái và phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thép, đáp ứng tiêu chuẩn EU. Hoa Sen đã chuẩn bị từ nhiều năm qua, đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sản phẩm của Hoa Sen đã xuất khẩu sang EU và nhiều nước khác, kể cả Nam Mỹ…

Ngành thép cần công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu giảm khí thải carbon, đồng thời thúc đẩy phát triển các sản phẩm thép cao cấp
Ngành thép cần công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu giảm khí thải carbon, đồng thời thúc đẩy phát triển các sản phẩm thép cao cấp.

Không chỉ ngành thép, nhiều ngành khác cũng bị ảnh hưởng

Làm thép xanh là con đường dài, đòi hỏi nguồn lực về tài chính, công nghệ, cũng như sự chủ động của DN, nhất là khi các quy định giảm phát thải carbon vẫn còn mới với Việt Nam.

Việt Nam mới đang bước đầu xây dựng lộ trình trung hòa carbon ngành thép. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 sẽ tối ưu hoá quy trình, năng lượng, nguyên liệu thô và cải tiến công nghệ nhằm giảm 10-30% lượng phát thải CO2. Giai đoạn 2025-2030 sẽ sử dụng nguyên liệu carbon thấp, tăng cường lượng khí hydro trong các nhà máy sắt xốp lên 30%, phù hợp với xu hướng thế giới. Ngoài ra, kế hoạch phát triển thị trường tín chỉ carbon được kỳ vọng sẽ thúc đẩy động lực xanh hóa trong ngành thép nói riêng và các ngành phát thải nói chung. Đó cũng là yêu cầu để Việt Nam đảm bảo đạt Net Zeo khí thải như cam kết taị COP26.

Không chỉ ngành thép, hóa chất, xi măng, thậm chí cả dệt may, nhiều sản phẩm khác từ nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi cơ chế CBAM.

Hãy nhìn LEGO xây nhà máy xanh ở Bình Dương thì biết, họ đã đi trước và thấy trước nhiều vấn đề, trong đó có cơ chế CBAM. Đây cũng là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO được phát triển theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường với mục tiêu không có khí thải carborn, nguồn điện sử dụng hoạt động cho nhà máy là năng lượng tái tạo cung cấp từ hệ thống tấm pin mặt trời từ cánh đồng pin ngay bên cạnh nhà máy.

Để xanh hóa ngành thép Việt Nam là bài toán rất khó nhưng có thể giải được. Các DN phải đối đầu với nhiều khó khăn không chỉ phải đầu tư công nghệ mới, mà còn phụ thuộc vào điện tái tạo, trong khi các chính sách về điện tái tạo của Bộ Công Thương chưa hoàn chỉnh, vẫn còn những bất cập đối chính sách điện mặt trời áp mái tại các nhà máy.

Cơ chế CBAM buộc các DN thép trong nước phải nâng cao kiến thức và hướng tới sản xuất xanh, bền vững. Du các DN phải đối diện với nhiều khó khăn nhưng không thể không làm, vì xu hướng quốc tế là như vậy.

Đã có sàn giao dịch tín chỉ carbon

Để đáp ứng yêu cầu xanh hóa ngành thép, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đang nghiên cứu và sẽ sớm triển khai giao dịch các sản phẩm tín chỉ carbon liên thông với các sở giao dịch lớn trên thế giới ngay trong năm nay.

Ngày 29-9-2023 tại TPHCM, Công ty cổ phần sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) đã chính thức ra mắt, trở thành DN đầu tiên tại Việt Nam khởi động sàn giao dịch tín chỉ carbon, chủ động thích ứng chính sách thương mại về môi trường quốc tế, đồng thời hướng tới nền kinh tế carbon thấp và có tốc độ phát triển vượt bậc. Sàn giao dịch này đáp ứng yêu cầu cao của EU về cơ chế CBAM (tháng 10-2023). Hoa Kỳ sẽ là thị trường tiếp theo áp dụng cơ chế này vào năm 2024. Trong tương lai, sẽ có thêm nhiều quốc gia, thị trường lớn của châu Mỹ và châu Á tiếp cận theo hướng này

Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA) trở thành đơn vị đầu tiên ở Việt Nam cung cấp thông tin tư vấn đầy đủ cho các DN, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam về cách thức xây dựng dự án tín chỉ carbon, cách thức đăng ký, kiểm định, xác nhận cùng các cơ chế trao đổi, đền bù, vay tín dụng đối với các khoản tín dụng carbon và áp dụng thuế carbon trong khu vực và trên toàn cầu.

Lưu Vĩnh Hy