Tem điện tử với rượu, thuốc lá: Bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng

11:13 24/12/2020

Việc đưa vào sử dụng tem điện tử đối với rượu và thuốc lá được kỳ vọng sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Dán tem điện tử cho rượu và thuốc lá

Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử, tem điện tử là tem có dấu hiệu nhận biết bằng mắt thường và có chứa đựng các thông tin, dữ liệu điện tử được kích hoạt, tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan phục vụ công tác quản lý của doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Sản phẩm thuốc lá nhập khẩu và sản xuất tiêu thụ trong nước phải được dán tem theo quy định tại Nghị định số 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Mỗi bao thuốc lá được dán 01 con tem. Tem được dán tại vị trí đảm bảo nguyên tắc khi mở bao thuốc lá tem sẽ rách.

Rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước phải dán tem theo quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Tem rượu được dán vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên bao bì chứa sản phẩm rượu (nắp chai, nắp hũ, nắp bình, vòi rượu hoặc vị trí tương tự) đảm bảo khi mở nắp thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại.

Về những nội dung cơ bản của dự thảo thông tư hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng TĐT, ông Nguyễn Hữu Tân – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế tại Hội thảo “Góp ý dự thảo thông tư hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử (TĐT)” cho biết, thông tư này quy định việc sử dụng TĐT đối với rượu và thuốc lá, trong đó bao gồm sản phẩm thuốc lá nhập khẩu và sản xuất tiêu thụ trong nước; rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước.

Về quản lý, mua bán TĐT thuốc lá nhập khẩu, TĐT rượu nhập khẩu, dự thảo thông tư quy định việc lập kế hoạch như sau: Doanh nghiệp (DN), tổ chức nhập khẩu rượu, thuốc lá chịu trách nhiệm lập, đăng ký kế hoạch sử dụng tem trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của cơ quan hải quan trước ngày 30/4 của năm liền trước năm kế hoạch, phù hợp với nhu cầu sử dụng tem của DN, tổ chức.

Về chế độ báo cáo tình hình sử dụng tem, dự thảo thông tư quy định, trước khi đưa sản phẩm thuốc lá, sản phẩm rượu để tiêu thụ, nhưng không quá 1 ngày kể từ ngày tem được dán lên sản phẩm, người khai hải quan thực hiện khai báo, gửi dữ liệu thông tin về tem về Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của cơ quan hải quan.

Đối với việc quản lý TĐT thuốc lá, TĐT rượu sản xuất trong nước, dự thảo thông tư quy định, về việc lập kế hoạch: Căn cứ kế hoạch sản xuất thuốc lá, kế hoạch sản xuất rượu để tiêu thụ trong nước hàng năm, chậm nhất là ngày 15/5 của năm liền trước năm kế hoạch, DN sản xuất thuốc lá hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất rượu để tiêu thụ trong nước sử dụng tài khoản được cơ quan thuế cấp truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để đăng ký kế hoạch mua TĐT.

Về chế độ báo cáo tình hình sử dụng tem, dự thảo thông tư quy định, trước khi đưa sản phẩm thuốc lá, sản phẩm rượu ra thị trường trong nước để tiêu thụ, nhưng không quá 1 ngày kể từ ngày tem được dán lên sản phẩm, tổ chức cá nhân thực hiện khai báo, gửi dữ liệu thông tin về tem về cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế...

Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái 

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam chia sẻ, hiệp hội cũng như các thành viên rất hoan nghênh những nỗ lực của Bộ Tài chính cũng như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan trong việc cải thiện công tác quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo tính minh bạch thông tin của hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu và thuốc lá. Nỗ lực này cũng sẽ góp phần giúp bảo vệ các sản phẩm chính hãng, hạn chế hàng giả, hàng lậu.

Liên quan đến dự thảo thông tư, đóng góp ý kiến trên tinh thần xây dựng, ông Việt góp ý, về kích thước TĐT không nên thay đổi so với tem bằng giấy đang sử dụng. Bởi, nếu kích thước tem có thay đổi, có thể sẽ gây khó khăn cho DN trong việc chuyển đổi máy móc thiết bị phù hợp với loại tem mới và DN sẽ bị phát sinh chi phí để điều chỉnh màng co bao phủ đang được sử dụng để bảo vệ loại tem giấy hiện tại.

Bên cạnh đó, với thiết kế như trong dự thảo thông tư, mã QR (mã xác thực) đang được đặt ở đuôi tem, là vị trí rất dễ vỡ, nên các DN sẽ phải cân nhắc để đầu tư thêm vào việc bảo vệ mã QR này, do đó cơ quan soạn thảo nên xem xét cân nhắc vị ví đặt mã QR.

Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát, cho biết: Ngành rượu đang thực hiện dán tem, đưa QR vào để truy xuất nguồn gốc rất tốt. Áp dụng tem điện tử cần phải cân nhắc kỹ lộ trình. Hơn nữa, nội dung dự thảo của Thông tư có một số qui định chưa thực sự hợp lý. Nghiên cứu nội dung dự thảo Thông tư, Hiệp hội vẫn chưa rõ ngoài thiết kế mẫu tem thì kích thước, mẫu mã, giá bán tem điện tử có thay đổi thế nào so với tem vẫn đang sử dụng hiện nay hay không.

Cũng góp ý cho dự thảo, ông Nguyễn Triết – Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đề xuất, cơ quan soạn thảo nên xem xét có lộ trình chuyển đổi phù hợp trước khi áp dụng, cùng các chính sách hỗ trợ DN khi thực hiện chuyển đổi sang sử dụng TĐT. Do các DN cần có thời gian cũng như kinh phí đầu tư máy móc thiết bị chuyên dùng, phần mềm hỗ trợ, tập huấn cho cán bộ nhân viên thực hiện theo dõi, kiểm soát chi tiết TĐT và kết nối, cập nhật lên trang điện tử của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.

Ngoài ra, tại hội thảo, một số ý kiến DN cũng đề xuất cơ quan soạn thảo nên xem xét, cân nhắc sửa đổi quy định về thời hạn lập kế hoạch đăng ký sử dụng tem, thời hạn báo cáo tình hình sử dụng tem cho khả thi hơn...

Trao đổi, phản hồi lại các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Nguyễn Hữu Tân chia sẻ, liên quan đến các góp ý về kích thước tem nên giữ nguyên như tem giấy hiện tại, để tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; hay vị trí đặt tem sao cho phù hợp hơn… ông Tân ghi nhận đây là những góp ý hợp lý, cơ quan soạn thảo sẽ xem xét, cân nhắc tiếp thu.

Liên quan đến ý kiến cho rằng thời hạn lập kế hoạch đăng ký sử dụng tem trước ngày 30/4 (đối với DN nhập khẩu rượu, thuốc lá) và trước ngày 15/5 (đối với DN sản xuất rượu, thuốc lá tiêu thụ trong nước) là sớm và kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN còn có thể có biến động nên việc lập kế hoạch có thể chưa chính xác. Ông Tân cho biết, tại dự thảo thông tư đã có quy định cụ thể về việc trường hợp trong năm DN có biến động về sản xuất, kinh doanh dẫn đến có sự tăng hoặc giảm nhu cầu mua TĐT so với kế hoạch đã đăng ký, thì DN có thêm thời hạn để đăng ký điều chỉnh kế hoạch sử dụng TĐT, do đó không gây khó khăn cho DN.

“Trên tinh thần cầu thị, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục lắng nghe những ý kiến góp ý từ các DN, hiệp hội chịu tác động trực tiếp của dự thảo thông tư. Trên cơ sở đó sẽ cân nhắc, xem xét trong quá trình hoàn thiện dự thảo thông tư, để đạt mục đích cao nhất là đảm bảo tính hợp lý, khả thi của các quy định khi được triển khai trên thực tế, cũng như chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi của DN và giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm....” – ông Tân chia sẻ.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế của VCCI: Phạm vi đối tượng bị tác động của Thông tư này không nhiều, nhưng mức độ quan trọng và ảnh hưởng của nó đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thuốc lá, rượu là rất lớn.

TH