Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, đối với xe công nghệ, riêng với Grab có thời điểm đã lên tới 100.000 xe. Hà Nội lúc đỉnh cao đã có tới 60.000 taxi công nghệ. Tuy vậy, hiện tại số lượng xe đối tác của Grab và Bee còn khoảng 16.000 và taxi truyền thống còn khoảng 10.000 xe. Tức là sau 2 năm đại dịch COVID-19 đã có khoảng 40.000 xe tại Hà Nội thuộc các cá nhân, tổ chức đi vay ngân hàng để đầu tư buộc phải bán xe để cắt lỗ. Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội (HHTXHN) cho biết: "Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải HN (HHVTHN) thì con số còn bi đát hơn, chỉ còn khoảng 9.000 xe".
"Thập diện" khó khăn đổ lên lái xe
Ngay cả khi hiện nay giá xăng đã giảm bớt nhưng xăng chỉ chiếm một phần trong giá, hiện nhiều mặt hàng vẫn đang tăng khiến việc đầu tư xe và chạy taxi không còn đảm bảo được “hoà vốn”. 80% lái xe ở Hà Nội là người các tỉnh và rất nhiều trong số đó đã buộc phải nghỉ, về quê và thiếu lái xe là hệ quả tất yếu. Đại diện HHVTHN cho biết: Đơn cử tại các sân bay, trong đó có sân bay Nội Bài, lượng khách ra - vào rất đông nhưng hiện xe cá nhân nhiều, xe dù bên ngoài càng nhiều hơn, Hợp tác xã Taxi Nội Bài có 300 đầu xe nhưng giờ chỉ còn 30 xe.
Anh Dương Mạnh H, 45 tuổi, là một lái xe có hộ khẩu tại nội thành Hà Nội từng lái taxi hơn 15 năm và đầu quân cho nhiều hãng taxi cả truyền thống và công nghệ. Hiện nay anh H. vẫn chạy taxi nhưng không thuộc doanh nghiệp nào, không chạy “công nghệ”. Hàng ngày anh đỗ xe gần một bệnh viện, có người thuê thì đi. Sở dĩ anh buộc phải trở thành xe “dù” vì suốt mấy năm qua, phần vì dịch bệnh thiếu khách, rồi nhiên liệu tăng giá … và một điểm mà anh cho là cũng gây khó khăn không kém những vấn đề trên đó là các khoản phải nộp cho “thương hiệu” quá nhiều. Với các doanh nghiệp taxi truyền thống thì đó là các loại gọi là phí quản lý, tiền đàm… Chạy xe công nghệ thì vẫn phải đóng phí cho doanh nghiệp chủ quản hay Hợp tác xã (HTX)…, vì vẫn phải vào HTX rồi họ lại ký hợp đồng với hãng xe công nghệ. Kiếm được 1 đồng doanh số thì trong đó đã gần 1/3 là các hãng công nghệ thu và thu thêm phí qua đêm rồi phí nền tảng… Tất nhiên tất cả đều là người đi xe trả. Nhưng giá cao thì khách sẽ càng ít. Thực tế ghi nhận cho thấy, không ít khách đã chuyển sang taxi truyền thống thay vì đi taxi công nghệ như trước đây.
Giá cước taxi công nghệ cao hơn taxi truyền thống
Taxi công nghệ đã từng làm mưa làm gió, tạo ra những giá trị mới cho hoạt động taxi nhưng giá cước của các hãng taxi công nghệ đang cao hơn taxi truyền thống là điều đang diễn ra trên thực tế. Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch HHTXHN: “Cho đến tháng 6/2022, đỉnh điểm, xăng lên 34.000 đ/lít, tăng khoảng 61% so với 2019 trong khi giá cước vận tải nói chung chỉ tăng được khoảng 29%. Trong khi taxi truyền thống rất khó điều chỉnh giá cước thì các hãng như Grab lại cực dễ. Cũng theo ông Hùng, giá xăng tăng bao nhiêu, họ tăng giá cước lên bấy nhiêu. Grab còn thu phí nắng nóng và khoản thu này cũng được HHTXHN cho là sai quy định. Vì về mặt nguyên tắc đã điều chỉnh giá cước trong ngưỡng điều chỉnh từ 5000 – 10.000 đồng/km thì ở tất cả mọi chi phí nhân công, lao động, điều hành, duy trì hoạt động khấu hao tài sản đều nằm ở phần đã tăng giá, không được phép thu thêm bất kỳ loại phí nào nữa. Hệ lụy này từ việc thí điểm công tác hậu kiểm giúp họ có thể “tăng giá” tuỳ tiện (phí nắng nóng 5.000 đồng và 2.000 phí duy trì nền tảng). Cơ quan quản lý Nhà nước cần phải làm cho minh bạch việc này”.
Một trong những phần mềm đã được triển khai thuộc đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam và cũng chưa thực sự thành công là EMDDI thuộc Công ty cổ phần EMDDI. EMDDI được xây dựng cho khoảng 15 đơn vị taxi tham gia, qua đó khách hàng đi taxi thì đặt xe qua app EMDDI. Tuy nhiên, khi 15 đơn vị này chạy chung 1 app Emdi thì giá của app lại có thể nảy sinh mâu thuẫn, sẽ thấp hoặc cao hơn với giá cước của chính các doanh nghiệp taxi đang cài đặt trên đồng hồ tính tiền. Về cơ bản nó chỉ phục vụ cho nhu cầu đặt xe giống như app của Mai Linh, G7, Vạn Xuân..., doanh nghiệp nào cũng có app.
Không chỉ có vậy, nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống cũng đã thiết kế các hệ thống công nghệ riêng để khách có thể kết nối với lái xe. Tuy nhiên, chưa một hệ thống nào đạt được kỳ vọng. Nguyên nhân là doanh nghiệp taxi chỉ hoạt động ở một phạm vi địa lý nhất định. Khi hành khách di chuyển, lúc ở tỉnh này, lúc ở tỉnh khác, nếu muốn gọi được xe, bắt buộc họ phải dùng đồng thời nhiều hệ thống, cài nhiều app cùng lúc. Đây là điều vô cùng phiền toái khiến hành khách không mặn mà, chưa kể không thể bật tất cả app lên để so sánh và tìm giá thấp.
Ứng dụng công nghệ là tất yếu nhưng phải giải quyết bái toán giá cước
Theo ông Đỗ Khắc Hà – Giám đốc Công ty Viladata, một doanh nghiệp phát triển công nghệ phục vụ lĩnh vực vận tải cho biết: “Công ty đã nghiên cứu và ra mắt hệ thống kết nối sử dụng cho cả taxi và vận tải hàng hoá. Hệ thống này có thể khắc phục các vướng mắc hiện thời và đặc biệt xử lý việc ứng dụng công nghệ mà không làm tăng giá cước. Giải pháp của Công ty đó là Tadi và Tadi không can thiệp vào giá, sẵn sàng cho tất cả các hãng taxi và xe với số lượng không hạn chế. Hệ thống này hoạt động trên nguyên tắc đấu thầu. Hành khách sẽ đăng hành trình di chuyển của mình theo dạng “gói thầu” và các tài xế taxi có khả năng cung cấp dịch vụ đóng vai “nhà thầu”. Với hình thức này, khách đi xe có thể chọn xe, chọn lái, chọn giá, kiểm tra độ tín nhiệm của từng lái xe… Hệ thống cũng cho phép lái xe tự đặt mức giá cơ bản hoặc giá cho từng hành trình. Chi phí cho từng hành trình được quyết định hoàn toàn bởi lái xe và khách. Chìa khoá của việc tiết kiệm chi phí chính là tránh được việc lái xe chiều về mà không có khách, đảm bảo tăng hiệu quả chạy xe thêm khoảng 40%.
Dưới hình thức là một sàn giao dịch, Tadi chỉ cung cấp giải pháp công nghệ, lái xe có thể đăng ký sử dụng dù họ ở bất kỳ doanh nghiệp nào, họ cũng có thể là cá nhân kinh doanh. Hành khách chỉ cần dùng một app duy nhất, tiếp cận với tất cả các lái xe từ tất cả các hãng taxi, chọn xe, chọn giá, chọn tài xế ưng nhất và khởi hành.
“Ứng dụng công nghệ là tất yếu, các doanh nghiệp không đổi mới chắc chắn sẽ không thể phát triển nhưng nếu ứng dụng công nghệ lại làm tăng giá cước hay tạo áp lực khiến tài xế khó khăn hơn thì rõ ràng công nghệ đó cần phải thay đổi”- ông Đỗ Khắc Hà cho biết.
Hạnh Nguyễn