Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giữ vai trò nòng cốt trong quá trình chuyển đổi số

10:04 21/03/2023

Diễn đàn Chuyển đổi số "Nhanh hơn, thông minh hơn và xanh hơn" diễn ra ngày 21/03/2023 tại Hà Nội, tập trung phân tích chặng đường chuyển đổi số hậu Covid-19, tìm hiểu về những câu chuyện chuyển đổi số trong các lĩnh sản xuất, ngân hàng...

Ảnh minh họa
Diễn đàn Chuyển đổi số 2023

Các diễn giả tham gia thảo luận tại Diễn đàn gồm: ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn Thông, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào; ông David Lidén, Tham tán thương mại, Trưởng đại diện Business Sweden; ông Bruno Sivanandan, Chủ tịch Tiểu Ban Kỹ thuật số, EuroCham; ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI); ông Nguyễn Tiến Huy , Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, VCCI; ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM); ông Ngô Diên Hy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT; ông Đặng Anh Dũng,  Phó tổng giám đốc Lazada Việt Nam; ông Bryan Carroll, CEO Ngân hàng thuần số TNEX; bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám Đốc, Lãnh đạo Khối Cơ sở hạ tầng, Chính phủ và Y tế; Lãnh đạo ESG KPMG Việt Nam và Campuchia; ông Urs KLOETI, Giám đốc nhà máy Nestlé Bông Sen.

Là năm thứ 4 trong chuyển đổi số quốc gia, 2023 là năm kỳ vọng thực hiện có kết quả thiết thực các chiến lược quốc gia. Đó là: Chiến lược Chính phủ số, Chiến lược Kinh tế số và xã hội số, Chiến lược An toàn, an ninh mạng, Chiến lược Dữ liệu số, Chiến lược Hạ tầng số, Chiến lược Công nghiệp công nghệ số.

Diễn đàn Chuyển đổi số năm 2023 kỳ vọng là cầu nối chính sách và cơ hội hợp tác kinh doanh, tạo ra các kết quả thiết thực và nhiều giá trị.

Theo Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á e-Conomy SEA lần thứ 7 với chủ đề “Vượt qua sóng cả, vươn mình ra biển cơ hội” do Google, Temasek và Bain & Company công bố, kinh tế Internet của Việt Nam đạt 23 tỷ USD trong năm 2022 và đang trên đà đạt 49 tỷ USD vào năm 2025 - tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực.

Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho biết, năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành công nghệ thông tin, viễn thông (ICT) Việt Nam đạt khoảng 148 tỷ USD, tỷ trọng kinh tế số đạt 14,26% GDP. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP theo kịch bản phát triển nhanh, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng kinh tế số bình quân hằng năm khoảng 20%, gấp hơn ba lần tăng trưởng GDP dự kiến.

“Chuyển đổi số góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn; nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc và Phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia Chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 vào cuối tháng 2/2023.

Chuyển đổi số là thời cơ cho Việt Nam đột phá trở thành một quốc gia phát triển. Tuy nhiên, để chuyển đổi số nhanh, thông minh và xanh hơn, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra. Đó là các vấn đề về quyết tâm chính trị, hành lang pháp lý, nguồn nhân lực và hạ tầng số.

Điển hình, ở khía cạnh chuyển đổi số gắn với tăng trưởng xanh, việc phát triển bền vững, thân thiện với môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Ước tính, ngành ICT chiếm khoảng 5-9% tổng lượng điện năng tiêu thụ toàn cầu và khoảng 3% lượng khí thải. Nhu cầu tiêu thụ năng lượng của ngành ICT ngày càng tăng cùng với số lượng thiết bị, hệ thống mạng, các trung tâm dữ liệu, các tài sản số hóa.

Các doanh nghiệp ICT Việt Nam mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành nhanh chóng hoàn thiện hệ thống luật pháp theo yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế số, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Quốc hội xem xét ban hành Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, có quy định và cơ chế phù hợp để điều chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tương thích với nền kinh tế số. Kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực tham mưu quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương.

Đồng thời, khuyến khích đầu tư cho kinh tế số cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giữ vai trò nòng cốt trong quá trình chuyển đổi số. Xây dựng và tổ chức triển khai Đề án Chuyển đổi số doanh nghiệp nhà nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

PV