Năm 2023, các quốc gia Đông Nam Á đón tổng cộng 70 triệu lượt khách du lịch quốc tế và thu về doanh thu 478 tỷ USD. Theo ông Anup Kumar Keshan - Tổng biên tập Tạp chí Du lịch Thế giới (TTW), dự đoán doanh thu du lịch của Đông Nam Á trong năm nay có thể vượt qua giai đoạn trước đại dịch.
Và nếu sử dụng cơ chế thị thực chung cho toàn khu vực giống như những quốc gia khối Schengen đã làm vào năm 1995, ngành du lịch Đông Nam Á sẽ phát triển hơn bao giờ hết, theo TTW.
Thị thực kiểu Schengen là mô hình cho phép du khách di chuyển tự do giữa 27 quốc gia thuộc khối Schengen mà chỉ cần sử dụng một thị thực do khối này cung cấp. Mô hình này được thực hiện từ năm 1995 và giúp du lịch khu vực này phát triển bất ngờ.
"Nhu cầu áp dụng thị thực kiểu Schengen đối với ngành du lịch Đông Nam Á đang lớn hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở 6 quốc gia Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Lào, Malaysia và Myanmar", ông Keshan nhận xét. "Cơ chế này sẽ giúp các công ty du lịch mang đến nhiều trải nghiệm thú vị hơn cho du khách và kích thích lượng khách quốc tế đến Đông Nam Á".
Từ tháng 4, Thủ tướng Thái Lan Srettha thúc đẩy thị thực chung cho 6 nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar. Hầu hết lãnh đạo 5 nước còn lại phản ứng tích cực với sáng kiến này.
Đại diện TTW nhận xét, thị thực chung giúp ích đáng kể cho ngành du lịch. Nếu chính sách được thông qua, các đại lý du lịch có thể lên kế hoạch hiệu quả hơn cho những hành trình xuyên quốc gia. Bên cạnh lượng khách, sáng kiến cũng giúp các quốc gia Đông Nam Á tăng khả năng cạnh tranh với những thị trường du lịch lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nếu được thực hiện, chương trình thị thực chung Đông Nam Á sẽ cho phép du khách di chuyển tự do giữa 6 quốc gia và tận hưởng nhiều trải nghiệm du lịch phong phú, tiết kiệm hơn
Dữ liệu từ các tổ chức nghiên cứu du lịch cho thấy các khách đã tới Thái Lan, Malaysia và những nước khác trong khu vực cũng sẽ thường tham gia các tour nhiều điểm đến, khám phá nhiều địa danh ở Đông Nam Á trong cùng một hành trình.
Do đó, nếu tham gia sáng kiến visa chung, Việt Nam có thể trở thành một phần liên tục trong lịch trình khám phá của những du khách đó, giúp họ có được sự thuận lợi trong đi lại xuyên biên giới mà không bị rườm rà với thủ tục nhiều lần xin visa.
Ngoài ra, visa chung cũng sẽ giúp tăng thêm sức hấp dẫn tổng thể của Đông Nam Á như một điểm đến du lịch thông qua việc thúc đẩy hợp tác và kết nối khu vực.
Các du khách muốn khám phá sự phong phú về văn hóa, các di sản lịch sử và vẻ đẹp tự nhiên của khu vực chắc hẳn sẽ muốn chọn Đông Nam Á như một điểm đến yêu thích nếu họ có thể linh hoạt di chuyển giữa các nước chỉ với một visa.
Ngoài Đông Nam Á, 6 quốc gia Ả Rập vùng vịnh gồm Saudi Arabia, Kuwait, UAE, Qatar, Bahrain và Oman cũng đã phê duyệt chương trình thị thực chung, sẽ thực hiện trước tháng 12. Tại khu vực Nam Phi, các quốc gia gồm Nam Phi, Botswana, Namibia, Lesotho, Swaziland và Zimbabwe cũng đang tiến hành các sáng kiến tương tự.
Minh Anh (t/h)