Những khó khăn, thách thức về kinh tế và pháp lý của doanh nghiệp trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 là chưa có trong tiền lệ. Chuỗi giá trị toàn cầu chịu tác động của tình trạng phong tỏa đối với khách hàng và/hoặc các nhà cung cấp ở nước ngoài, gián đoạn dịch vụ kho vận, ảnh hưởng đến việc vận chuyển nguyên vật liệu thô và linh kiện trong chuỗi sản xuất, phân phối sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng, khối lượng hàng tồn kho trong hệ thống lớn, thiếu linh hoạt trong hoạt động. Tuy nhiên, Việt Nam đã từng bước kiểm soát dịch bệnh chuyển sang giai đoạn mới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo tinh thần Nghị quyết 128/2021/NQ-CP của Chính phủ. Chính sách phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới đã phát huy hiệu quả tốt nhanh chóng, xoay chuyển cục diện phòng chống dịch, đóng góp ngay lập tức vào phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng GDP đang từ (-6,02%) trong quý 3 đã đạt +5,88% trong quý 4, dự kiến cả năm 2021 đạt 2,58%. Chỉ số lòng tin người tiêu dùng vào hàng nội địa vẫn ở mức cao. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5%. Việt Nam xuất siêu 4 tỷ USD, cho thấy mức độ gia nhập thị trường toàn cầu ngày càng sâu rộng.
Tái cấu trúc chuỗi cung ứng
Doanh nghiệp cần có đánh giá toàn diện, đầy đủ về năng lực và điều kiện gia nhập thị trường theo các hiệp định thương mại thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn Diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ 01/01/2022... Có một số lưu ý sau: (1) Việt Nam hội nhập kinh tế, tham gia các FTA đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia. Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong các Hiệp định, chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam với các nước đối tác, theo đó là sự gia nhập thị trường Việt Nam và sự hiện diện thương mại, đầu tư của hàng hóa, dịch vụ và của doanh nghiệp các nước đối tác vào Việt Nam sẽ tăng lên. Để bảo đảm có đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc thực thi Hiệp định, Chính phủ và các Bộ, ngành đã và đang nghiên cứu, rà soát và nội luật hóa các cam kết, có lộ trình, bước đi phù hợp. Dưới góc độ tư vấn luật, theo tôi doanh nghiệp cần lưu ý: Chú trọng thực thi quyền sở hữu trí tuệ, phòng ngừa những vi phạm đối với quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp các nước đối tác, nhất là vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý, hoặc ngược lại bị họ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Việt. Ví dụ, với EVFTA Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 28 thành viên) và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm. Hiệp định không quy định chế tài xử lý hình sự đối với những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; (2) Về vấn đề trừng phạt thương mại trong các Hiệp định. Ví dụ, theo EVFTA không đặt vấn đề trừng phạt thương mại, mặc dù bản thân EU được đánh giá là một trong những đối tác đi đầu trên thế giới về việc tuân thủ quy định của các hiệp định quốc tế và đa phương liên quan đến biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên rừng bền vững và thương mại lâm sản, quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển và sản phẩm nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên doanh nghiệp Việt nên thận trọng đánh giá tác động tiêu cực trong trường hợp hợp tác hoặc đầu tư cùng doanh nghiệp Châu Âu khi họ chuyển dịch các ngành nghề gây ô nhiễm môi trường cao như xi măng, luyện kim sang Việt Nam; (3) Sức ép cạnh tranh sức ép thị trường đối với việc mở cửa cho các công ty nước ngoài sẽ được phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam của một số hành nghề, như bảo hiểm, hoặc mở cửa kinh doanh một số lĩnh vực như khai báo hải quan…
Doanh nghiệp cũng nên tính toán xây dựng chuỗi giá trị đơn giản, linh hoạt, và ngắn hơn. Có thể xuất hiện việc chuyển dịch từ chuỗi giá trị phân tán sang chuỗi giá trị linh hoạt và có khả năng ứng phó tốt hơn, chuyển dịch tốt hơn. Tính toán tăng tốc áp dụng các công nghệ thông minh, tự động hóa và các phương pháp thúc đẩy sản xuất thông minh, đặc biệt là trong việc giám sát từ xa và kiểm soát quá trình sản xuất theo thời gian thực, chú trọng vấn đề phức tạp về rủi ro an toàn khi áp dụng công nghệ thông minh và phương pháp thúc đẩy sản xuất thông minh.
Các ngành hàng, lĩnh vực cần hội tụ lại với nhau thành các liên kết mới hơn, rộng hơn và năng động hơn để hình thành các hệ sinh thái số - một tập hợp các dịch vụ có mối liên kết với nhau dành cho khách hàng, như trong lĩnh vực như bán lẻ, truyền thông, viễn thông, dịch vụ tài chính và vận tải…Kết nối đầu tư kinh doanh cả trên tầm vĩ mô và các cơ hội cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp người Hoa (đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Singapore và các nước khác trên thế giới) khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và trên thế giới đã rất thành công, tạo nên một mạng lưới liên kết trên toàn cầu, là kinh nghiệm để doanh nghiệp Việt Nam rất đáng quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu vận dụng.
Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong RCEP có cơ chế: (a) khuyến khích thực hiện hiệu quả và có hiệu lực các quy tắc và quy định thương mại thuận lợi và minh bạch; (b) cải thiện khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, bao gồm việc thúc đẩy và tạo điều kiện cho quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp; (c) thúc đẩy việc sử dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; (d) tìm hiểu các cơ hội trao đổi kinh nghiệm trong các chương trình kinh doanh của các bên; (e) khuyến khích đổi mới và sử dụng công nghệ; (f) thúc đẩy nhận thức, hiểu biết và sử dụng hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; (g) thúc đẩy các thông lệ quản lý tốt và nâng cao năng lực trong việc xây dựng các quy định, chính sách và chương trình góp phần phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; và (h) chia sẻ các thông lệ tốt nhất về nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nắm vững và nhận diện rủi ro trong cơ chế giải quyết tranh chấp theo các Hiệp định thương mại thế hệ mới
Ví dụ: (1) Chương 15 của Hiệp định EVFTA là các quy định giải quyết tranh chấp thông qua Hòa giải và Trọng tài. VN và EU sẽ tiến hành lựa chọn các thành viên có đủ năng lực, kinh nghiệm về luật quốc tế và các vấn đề thương mại để đưa vào danh sách 15 trọng tài viên. Danh sách này gồm năm thành viên có quốc tịch VN, năm thành viên có quốc tịch EU và năm thành viên có quốc tịch nằm ngoài VN hoặc EU, do Ủy ban Thương mại song phương công bố. Khi có vụ việc tranh chấp, hội đồng trọng tài gồm ba thành viên do các bên lựa chọn từ danh sách 15 trọng tài viên nói trên sẽ được thành lập để giải quyết tranh chấp theo quy định tại chương 15 của hiệp định. Phụ lục 15-C là quy định riêng về quy tắc hòa giải cho phép các bên, tại bất kỳ thời điểm nào, ngay cả khi vụ việc đang được giải quyết theo cơ chế trọng tài, cũng có thể bắt đầu quy trình hòa giải; (2) Cơ chế giải quyết tranh chấp trong RCEP gồm 21 điều từ 19.1 – 19.21, chỉ giải quyết tranh chấp giữa các Bên tham gia về giải thích và áp dụng Hiệp định này, không có cơ chế giải quyết tranh chấp đối với doanh nghiệp theo Hiệp định. Hiệp định khuyến khích giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, tham vấn, hòa giải. Tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, duy trì cân bằng hợp lý quyền và nghĩa vụ của các Bên.Ngôn ngữ giải quyết tranh chấp bằng tiếng Anh. Bên khởi kiện sẽ được coi là đã lựa chọn phương thức để giải quyết tranh chấp khi yêu cầu thành lập hội đồng trọng tài theo khoản 1 Điều 19.8 (Yêu cầu thành lập hội đồng trọng tài) hoặc yêu cầu thành lập, hoặc đưa vấn đề lên ban hội thẩm hoặc hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp theo hiệp định thương mại hoặc đầu tư khác. Trừ khi các bên tranh chấp có thỏa thuận khác, chủ tịch hội đồng trọng tài không được là công dân của bất kỳ bên tranh chấp hoặc bên thứ ba nào và không có nơi thường trú tại bất cứ bên tranh chấp nào.
Về hợp đồng đối với khách hàng là nhà sản xuất hoặc nhà phân phối
Khách hàng thường yêu cầu nhà cung cấp tuân thủ “luật chơi” của họ, được thể hiện tại hợp đồng sản xuất, gia công, cung ứng hàng hóa... Có một số lưu ý sau: (1) Khách hàng yêu cầu nhà cung cấp phải duy trì lượng hàng tồn kho lớn nhằm đảm bảo đủ lượng hàng cung cấp liên tục cho chu kỳ dài hạn, có thể lên đến 8 tháng, 10 tháng hoặc 12 tháng, tạo áp lực về vốn lưu động và hàng tồn kho cho nhà cung cấp; (2) Kéo dài thời hạn thanh toán, thông thường là sau 60 ngày, hoặc 4 đến 6 tháng kể từ ngày khách hàng nhận được hàng do nhà cung cấp giao, càng tạo nên áp lực về vốn lưu động và hàng tồn kho cho nhà cung cấp; (3) Sản xuất, gia công theo thiết kế, mẫu mã của khách hàng; (4) Chịu sự giám sát tại chỗ của các chuyên gia, quản lý do khách hàng cử đến tại nhà máy của nhà cung cấp; (5) Áp lực giao hàng đúng thời hạn, chu kỳ sản xuất nhanh, giao hàng nhanh. Điều khoản phạt với mức phạt rất cao trong trường hợp nhà cung cấp giao hàng chậm, hoặc yêu cầu phải thay đổi phương thức giao hàng bằng đường hàng không khi nhà cung cấp giao hàng chậm qua các phương thức vận chuyển khác; (6) Áp dụng tiêu chuẩn kiểm tra, kiểm nghiệm theo quy định của khách hàng, bao gồm cả hàng hóa và bao bì, yêu cầu phạt cao, yêu cầu bồi thường cao nếu hàng giao không được khách hàng kiểm tra, kiểm nghiệm thông qua; (7) Yêu cầu áp dụng luật của nước sở tại của khách hàng, đặc biệt là quy định luật nước sở tại đối với yêu cầu an toàn, vệ sinh (nhất là vệ sinh thực phẩm) đối với hàng hóa và bao bì, hoặc yêu cầu áp dụng luật thương mại quốc tế liên quan, yêu cầu lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là trọng tài nước sở tại hoặc trọng tài nước ngoài hoặc trọng tài quốc tế. Doanh nghiệp cần lưu ý tìm hiểu chi phí, trình tự, thủ tục tham gia tố tụng trọng tài nước ngoài hoặc trọng tài quốc tế để tính toán toàn diện về chi phí và giá thành khi tham gia ký kết hợp đồng chuỗi cung ứng; (8) Yêu cầu về bảo mật áp dụng cho nhà cung cấp và tất cả các công ty liên quan của nhà cung cấp rất cao, hiệu lực của thỏa thuận bảo mật rất dài, có thể kéo dài 5 năm sau khi kết thúc hợp đồng với nhà cung cấp; (9) Yêu cầu về điều khoản liêm chính và chống hối lộ được quy định rất chặt chẽ và cụ thể, nhằm đảm bảo không có bất kỳ hành động bất chính nào đến từ nhà cung cấp và nhân viên của họ, bao gồm cả công ty liên quan chống lại khách hàng. Đặc biệt có quy định nhà cung cấp phải có giá giao hàng thấp hoặc tốt nhất cho khách hàng, không được cao hơn giá giao dịch trên thị trường mà khách hàng điều tra thu thập được, nếu không bị coi là vi phạm điều khoản liêm chính và phải chịu mức phạt rất cao.
Về việc tuân thủ pháp luật của nhà cung cấp
Thông thường, khách hàng sẽ có những yêu cầu, điều kiện nhà cung cấp phải tuân thủ, phải đạt được trước khi được chấp nhận là nhà cung cấp của họ, hơn nữa yêu cầu nhà cung cấp phải duy trì các yêu cầu, điều kiện này trong suốt quá trình là nhà cung cấp của họ. Ví dụ: (1) Về kiểm tra nhà xưởng để xác định: (a) Tư cách pháp nhân của nhà cung cấp có được thành lập, tồn tại và đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh theo pháp luật nước sở tại không? (b) Về đất đai và tài sản tạo lập gắn liền với quyền sử dụng đất của nhà cung cấp cấp có được giao, được thuê, nhận chuyển nhượng…hợp pháp hợp lệ theo quy định pháp luật nước sở tại?; (c) Bố trí máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, kho nguyên liệu, kho hàng…có phù hợp với yêu cầu của khách hàng không? (d) Về điều kiện an toàn và vệ sinh sản xuất; (e) Về cơ cấu góp vốn và quản trị doanh nghiệp có minh bạch, những hạn chế đối với cơ cấu tổ chức, quản trị, quyền quyết định của doanh nghiệp; (f) Những hợp đồng lớn có hiệu lực và tồn tại vấn đề pháp lý, tranh chấp gì không?; (g) Những giao dịch hợp đồng với các bên liên quan; (h) Về việc thực thi nghĩa vụ khai báo thuế và nộp thuế, bao gồm các ưu đãi miễn giảm thuế có tuân thủ và phù hợp pháp luật Việt Nam không? (k) Về việc chấp hành pháp luật về môi trường, việc lập, phê duyệt báo cáo đánh giá động môi trường, việc triển khai xây dựng công trình bảo vệ môi trường và các thiết bị, biện pháp bảo vệ môi trường của nhà cung cấp. Các tiêu chuẩn môi trường khách hàng yêu cầu áp dụng, như Tiêu chuẩn dệt hữu cơ toàn cầu và Tiêu chuẩn nội dung hữu cơ OCS áp dụng đối với doanh nghiệp dệt may, chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC đối với doanh nghiệp sản xuất gia công hàng gỗ, việc đáp ứng và tuân các công cụ quản lý trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp quốc tế (Corporate Social Responsibility, CSR); (m) Về việc tuyển dụng, sử dụng lao động, các vấn đề về nhân quyền, an toàn lao động, tiền lương và bảo hiểm, chế độ đãi ngộ, phúc lợi đối với người lao động; (n) Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tố tụng tòa án hoặc trọng tài của nhà cung cấp.
Về tuyển dụng lao động: Các Hiệp định FTA thế hệ mới đặt ra các tiêu chuẩn, quy định về lao động và thừa nhận mối liên hệ giữa quyền của người lao động với thương mại; quyền tự do liên kết và quyền thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động; xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp... Bộ luật Lao động 2019 của Việt Nam sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, thể hiện cam kết của Việt Nam trong thực thi các Hiệp định, việc doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư đến từ các nước đối tác tham gia các Hiệp định tuân thủ quy định của Bộ luật lao động này sẽ tạo điều kiện để họ đáp ứng điều kiện đánh giá và đưa vào danh sách nhà cung cấp của các doanh nghiệp khi tham gia chuỗi cung ứng. Đặc biệt lưu ý thiết lập và duy trì các kênh trao đổi hai chiều để nắm bắt ý kiến của lực lượng lao động, bố trí lại quy trình sản xuất nhằm tiếp tục thực hiện 5K, phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo môi trường làm việc an toàn và vệ sinh cho người lao động trong tình trạng mới.
Về bảo vệ môi trường: Doanh nghiệp ngoài việc cần rà soát, đánh giá đầy đủ về việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường phải thực hiện trong hoạt động đầu tư kinh doanh của mình, cũng cần nắm bắt các cam kết của Chính phủ với các tổ chức quốc tế, trong các hiệp định song phương hoặc đa phương về bảo vệ môi trường để có giải pháp căn cơ, thích ứng với các cam kết đó, đảm bảo cho hoạt động đầu tư kinh doanh của mình đúng hướng, thuận lợi và hiệu quả. Ví dụ, chính phủ Anh ngày 3/11/2021 ra "Tuyên bố chuyển đổi từ than sang điện sạch toàn cầu". Việt Nam nằm trong nhóm 23 nước trong 190 nước lần đầu tiên cam kết từng bước từ bỏ điện than, không xây dựng hoặc đầu tư nhà máy phát điện mới. Các nền kinh tế lớn sẽ loại bỏ điện than vào thập niên 2030, trong khi phần còn lại của thế giới sẽ thực hiện mục tiêu này vào thập niên 2040. Đây là cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam, vì hiện nay nhiệt điện than hiện chiếm trên 32% tổng công suất nguồn điện toàn quốc và đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam. Đây là một trong những nguồn cung cấp điện chính đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, duy trì toàn hệ thống vận hành ổn định. Cam kết này, ngoài việc chính phủ phải có điều chỉnh thích hợp về quy hoạch 8 về phát triển điện lực Việt Nam, các nhà đầu tư phát triển đang đàm phán, xin chủ trương đầu tư nhà máy nhiệt điện than buộc phải có những tính toán điều chỉnh thích hợp với cam kết của chính phủ, nếu không sẽ không thể vay vốn thực hiện dự án vì các tổ chức tài chính quốc tế đã cam kết không tài trợ vốn cho các nhà máy nhiệt điện than nữa.
Luật sư Bùi Văn Thành - Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới