Tái chế đang trở thành một xu hướng tất yếu trên thế giới, được coi là tiêu chí bắt buộc và mang lại nhiều lợi ích cho môi trường cũng như xã hội. Việc tái chế không chỉ giúp giảm lượng chất thải phải xử lý mà còn cung cấp nguyên liệu quý giá cho sản xuất.
Theo ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Việt Nam, thị trường tái chế chất thải tại Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển. Điều này xuất phát từ nguồn chất thải dồi dào từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt, với ước tính khoảng 60.000 tấn chất thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày, trong đó 55% có thể tái chế.
Tuy nhiên, ông Trần Việt Anh cho rằng, thị trường tái chế ở Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. Nguyên nhân chính là do công nghệ và hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu, các nguồn chất thải có thể tái chế chưa được tận dụng đầy đủ, và thiếu các khu công nghiệp tái chế đúng nghĩa. Bên cạnh đó, việc phân loại rác thải tại nguồn cũng chưa được thực hiện đồng bộ. Nếu có thể khắc phục được những hạn chế này, thị trường tái chế ở Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.
Về chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tái chế, ông Trần Thanh Nam, đại diện Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, cho biết, quỹ này sẽ cung cấp các khoản vay với lãi suất ưu đãi 2,6% trong suốt thời gian vay cho các dự án bảo vệ môi trường, sản xuất năng lượng sạch và tái chế. Thời gian vay tối đa là 10 năm, với mức vay tối đa 80% tổng mức đầu tư, tối đa 36,6 tỷ đồng cho mỗi dự án và không quá 73,2 tỷ đồng cho mỗi chủ đầu tư.
Đến nay, quỹ đã hỗ trợ vốn cho nhiều dự án trong lĩnh vực xử lý và tái chế chất thải, bao gồm 79 dự án xử lý chất thải rắn với tổng số tiền 1.344 tỷ đồng, 46 dự án mua sắm phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải với 284 tỷ đồng, và 9 dự án tái chế với tổng số tiền 115 tỷ đồng.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Các doanh nghiệp tái chế rác thải giá trị thấp như bao bì nhiều lớp, bao ni lông, hộp sữa… sẽ được nhận những hỗ trợ đặc biệt từ cơ chế Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), để đầu tư công nghệ và tìm giải pháp tái chế hiệu quả.
Ông Hùng cho biết, trong khi các loại rác thải giá trị cao như chai nhựa, giấy bìa các tông, sắt thép đã có thị trường tái chế ổn định, các loại rác thải giá trị thấp lại ít được doanh nghiệp quan tâm do chi phí tái chế cao, giá trị thu hồi thấp, đòi hỏi phải đầu tư nhiều công nghệ mới. Các doanh nghiệp thậm chí phải bù lỗ để tái chế những loại rác này.
Do đó ông Hùng cho hay, cơ chế Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) sẽ hỗ trợ đặc biệt cho các nhà tái chế chịu đầu tư vào công nghệ, phát triển các giải pháp tái chế cho loại rác thải giá trị thấp.
"Trong cơ chế EPR, chúng tôi sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tái chế bằng các ưu đãi tài chính. Điều này không chỉ giúp bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn giảm áp lực lên ngân sách nhà nước trong việc xử lý và chôn lấp rác thải", ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng cũng cho biết, các nhà sản xuất sẽ phải đóng góp vào quỹ EPR nhiều hơn, nếu họ sử dụng bao bì khó tái chế.
P.V (t/h)