Tại Hội nghị Tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 ngày 26/12 của Tổng cục Thủy sản, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản ái ngại cho biết hiện nay, nguồn lợi hải sản đang ngày càng có dấu hiệu suy kiệt. Theo đó, việc khai thác, đánh bắt tận thu, sử dụng các phương pháp khai thác tận diệt (chất nổ, xung điện), nhất là đối với hai sản nhỏ một cách bừa bãi là đáng báo động khiến nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt. Ngoài ra, sự suy thoái nghiêm trọng của các hệ sinh thái gần bờ (rạn san hô, tảo biển bị chết, rừng ngập mặn,...) cũng tiếp tay khiến nguồn lợi thuỷ sản suy kiệt, làm giảm khả năng tái tạo. Như cá nục, kích cỡ đánh bắt trưởng thành phải cỡ cổ tay, nhưng hiện nay mới chỉ lớn cỡ ngón tay đã bị đánh bắt tận thu. Đặt giả thiết, một tấn cá nục cỡ nhỏ này nếu không khai thác mà để chúng trưởng thành, có thể đánh bắt với sản lượng gấp mấy chục lần?
Mặc dù tổng sản lượng khai thác thuỷ sản năm sau vẫn cao hơn năm trước, nhưng chất lượng thì không tăng, những loài cá có giá trị kinh tế cao không còn nhiều như trước. Tỷ lệ cá tạp trong một mẻ lưới tăng tới 70%; một số loài hải sản có giá trị cao vẫn đánh bắt được ở vùng bờ thì nay đã trở nên khan hiếm như bào ngư, mực, cá trích,...
Hiện nay quy định kiểm tra, xử lí đối với các hành vi vi phạm trong khai thác, nhất là khai thác ven bờ đã có khá đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là lực lượng nào đứng ra triển khai kiểm tra xử lí, và biện pháp nào để ngư dân - đối tượng chính cần tuân thủ - có thể thực hiện được dưới áp lực cuộc sống, vì miếng cơm manh áo mà "biết sai vẫn làm". Bên cạnh đó, việc tăng các khu bảo tồn biển, vùng cấm khai thác, nghiêm cấm khai thác thủy sản nhỏ, chưa đạt yêu cầu khai thác, cấm khai thác mùa vụ sinh sản, vùng sinh sản… đang là yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể về kích thước được phép khai thác của từng loài hải sản, quy định cụ thể về mắt lưới đánh bắt cho từng loài
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, hiện nay, việc kiểm tra, xử lí đối với hoạt động khai thác ven bờ thuộc tránh nhiệm của các địa phương. Vì vậy thời gian tới, mà trước mắt là ngay trong năm 2021, ngành thủy sản sẽ phải đặt trọng tâm cùng với các địa phương siết chặt lại khâu kiểm tra, giám sát, xử lí đối với các hoạt động khai thác trái phép, tận thu, các hình thức vi phạm vùng bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tập trung rà soát, đẩy mạnh xây dựng các vùng bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, các vùng cấm khai thác, mùa cấm khai thác, các bãi đẻ. Đồng thời, phát động sâu rộng hơn nữa tại các địa phương phong trào thả cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn trong một năm đầy biến động, tuy nhiên tổng sản lượng thuỷ sản năm 2020 vẫn đạt 8,4 triệu tấn, tăng 1,8% so với năm 2019, trong đó sản lượng sản lượng khai thác đạt 3,85 triệu tấn, tăng 2,1%, nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn, tăng 1,5%. Trong đó sản lượng tôm nuôi đạt 950.000 tấn (tôm sú đạt 267,7 nghìn tấn, tăng 1%; tôm thẻ chân trắng 632,3 nghìn tấn, tăng 8,5%, tôm khác 50.000 tấn), cá tra 1.560.000 tấn (bằng 96,9% so với cùng kỳ).
Trần Hà