Sức chống chọi yếu đi, doanh nghiệp cần hỗ trợ đúng

15:23 05/03/2021

Các doanh nghiệp Việt Nam, theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, sức chống chọi đã yếu đi, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập, do đó cần các chính sách hỗ trợ đúng

Ông đánh giá như thế nào về khả năng chống chịu của các doanh nghiệp Việt Nam khi Covid-19 vẫn còn tiếp diễn và những hệ lụy vẫn còn ảnh hưởng một cách nặng nề?

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Với sức ép như vậy thì khi bước sang năm thứ hai của đại dịch, sức chống chịu của doanh nghiệp đã đuối hơn nhiều, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp mới thành lập. Không chỉ tại Việt Nam mà tại nhiều quốc gia, khối doanh nghiệp này còn non trẻ, chưa biết cách phòng chống rủi ro, nguồn tài chính không nhiều. Các doanh nghiệp này mới hoạt động được vài ba năm, thậm chí chưa được một năm nên đã phải “vét cạn” sức lực để tồn tại. Theo khảo sát chưa được đầy đủ và toàn diện thì khoảng gần 50% doanh nghiệp đã cạn vốn, nhất là doanh nghiệp nhỏ.

Với Việt Nam, GDP trong năm 2020 vẫn tăng trưởng dương, cho thấy nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị để duy trì tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng thẳng thắn mà nói, môi trường kinh doanh trong năm 2021 vẫn rất khó khăn. Chúng ta vẫn phải thực hiện mục tiêu “kép”, trong bối cảnh giãn cách xã hội tại một số địa phương và nhiều quốc gia trên thế giới. Nội lực của doanh nghiệp Việt Nam đã khó khăn hơn. Sức mua đã giảm khi người dân cắt giảm tiêu dùng… Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thêm thì khó khăn của các doanh nghiệp sẽ càng tăng thêm.

Theo ông, các doanh nghiệp ngành nào sẽ khó khăn hơn và doanh nghiệp ngành nào sẽ phục hồi?

Đại dịch Covid-19 tác động đến tất cả doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, trong khi mọi lĩnh vực, các ngành kinh tế đều có liên kết, giao thoa chặt chẽ với nhau. Nên về vấn đề này cũng khó có thể trả lời một cách chính xác. Ví dụ như ngành bán lẻ phụ thuộc vào sản xuất và sức mua thị trường, cầu yếu thì cung sẽ dư thừa, hàng hóa khó tiêu thụ sẽ ảnh hưởng tới ngành hậu cần. Với ngành du lịch, không có khách du lịch sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến các doanh nghiệp, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bán lẻ…

Do đó, để phục hồi các lĩnh vực kinh tế cần rất nhiều giải pháp. Trong đó, tôi muốn nhấn mạnh đến các chính sách để hỗ trợ cho xuất khẩu tiếp tục phát triển mạnh hơn. Bởi xuất khẩu tốt thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được mở rộng thị trường, từ đó giúp hàng hóa được tiêu thụ tốt hơn, qua đó tiếp tục tác động đến ngành sản xuất, hậu cần… Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển xuất khẩu, nên cần sự hỗ trợ, phối hợp mạnh mẽ hơn giữa Chính phủ, thị trường và doanh nghiệp. Trong đó, các thủ tục xuất nhập khẩu cần tiếp tục được tạo thông thoáng, giúp doanh nghiệp nhanh chóng chớp thời cơ, tăng sức mua cho doanh nghiệp tiếp tục phục hồi.

Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp cần được "tiếp sức" những gì, thưa ông?

Cũng như năm 2020, các doanh nghiệp luôn cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý với các chính sách về tài chính, tài khóa. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục mong muốn được kéo dài chính sách hoãn giãn nợ, giảm lãi suất, giảm các loại thuế phí… để có thể tiếp cận vốn rẻ, giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, trước sự suy giảm của nền kinh tế thì sức cầu với hàng hóa dịch vụ là thách thức cực kỳ lớn, nên các cơ quan quản lý cần suy nghĩ đến các phương pháp kích cầu nội địa. Điều này cần cân nhắc kỹ để vừa giữ lạm phát vừa kích thích tiêu dùng nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp mới thành lập có thể cung ứng hàng hóa thuận lợi.

Cùng với đó, các chính sách về hỗ trợ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cần tiếp tục được triển khai và phát triển. Tức là phải tạo môi trường thế nào đưa doanh nghiệp trở lại với hoạt động kinh doanh bình thường, trong trạng thái mới, nên các chính sách hỗ trợ phải nhanh và mạnh, đúng và trúng; đẩy mạnh áp dụng công nghệ số. Chúng ta cũng cần nhiều hơn các chương trình hỗ trợ, đào tạo doanh nghiệp chuyển đổi số, tiếp tục công tác cải cách thủ tục hành chính. Việt Nam bị tổn thương ít hơn so với các quốc gia khác, nên chúng ta phải cố gắng khai thác hết lợi thế, tận dụng mọi thế mạnh để phát triển bền vững.

Ông đánh giá như thế nào về việc Bộ Tài chính đã trình Chính phủ một số chính sách tài khóa để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?

Hành động của Bộ Tài chính là rất đúng đắn và nhanh chóng, bởi như trên tôi đã nói, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn hết sức khó khăn. Vì thế, các chính sách hỗ trợ này cần nhanh chóng hết sức để ban hành, nhưng cũng không thể vì nhanh mà nóng vội. Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan phải liên tục và thường xuyên lắng nghe ý kiến đóng góp từ nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, để các chính sách được hiệu quả, đúng với nhu cầu và mong muốn của đối tượng hưởng thụ. Nếu các cơ quan ban hành chính sách không coi trọng ý kiến của doanh nghiệp, không lắng nghe ý kiến của họ thì chính sách đó sẽ có khoảng trống và ít hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Theo Hương Dịu (https://haiquanonline.com.vn)