Sửa Luật Đấu thầu: Đàm phán giá gỡ khó cho mua sắm trang thiết bị y tế

15:29 15/03/2023

Một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/3 rất quan tâm khi góp ý sửa Luật Đấu thầu là gỡ khó cho mua sắm trang thiết bị y tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Đây là dự thảo đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ tư, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 100 điều (giữ nguyên số chương, tăng thêm 2 điều).

Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) là nội dung quan trọng liên quan nhiều đến việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước, các thủ tục, cách thức, quy trình, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch, công khai môi trường đầu tư kinh doanh, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm cấu phần hóa chất trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và mua sắm hàng dự trữ quốc gia. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quy định này có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành y.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm quy định phạm vi điều chỉnh bao gồm cả dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, quản lý ngành và lĩnh vực. Đây là nội dung hoàn toàn mới mà được bổ sung trong dự thảo Luật lần này.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn về quy định những trường hợp này lại áp dụng đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên chăng chỉ quy định đấu thầu phần nhà nước đi mua sắm dịch vụ công, mà không phải đấu thầu toàn bộ.

"Không có chuyện một anh thì chấp thuận chủ trương, một anh ngồi chỉ định thầu", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Về trường hợp mua sắm vaccine COVID-19 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là trường hợp rất khác bởi là vấn đề chưa từng có tiền lệ, hoàn toàn khác với những điều kiện thông thường, chưa bao giờ từng xuất hiện trong Luật Đấu thầu. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm thể chế trong luật trường hợp đặc biệt của đặc biệt, cần quy định rõ để sau này Chính phủ, Thủ tướng vận hành được mà không phải ban hành nghị quyết.

Đối với lĩnh vực y tế, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần nghiên cứu thêm một số nội dung để vận hành tốt hơn như trong đàm phán giá thuốc và vấn đề đấu thầu đối với biệt dược, vấn đề hóa chất… cũng cần phải có quy định trong Luật Đấu thầu.

Ông Nguyễn Phú Cường cho biết, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) với 129 lượt ý kiến ĐBQH phát biểu. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 100 điều (giữ nguyên số chương, tăng thêm 2 điều). Trong đó: bỏ 4 điều và thêm 6 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi nội dung 55 điều, chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản 25 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, những nội dung trên đã được cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo thống nhất tiếp thu, giải trình, chỉnh lý nhiều nội dung.

Một số ý kiến còn khác nhau tại dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được ông Nguyễn Phú Cường trình bày gồm: Về đối tượng điều chỉnh; Về chỉ định thầu (Điều 23); Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt (Điều 31, 32); Vấn đề đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất (điểm a khoản 3 Điều 2 , Điều 48); Về trình tự, thủ tục phê duyệt đề xuất dự án đầu tư kinh doanh; Về quy định đối với điều ước quốc tế, thỏa thuận vay; Về đấu thầu trước (Điều 43); Về đấu thầu qua mạng, lộ trình thực hiện (Điều 52-54); Về mua thuốc, vật tư y tế (Điều 23, 28, 55-58).

Đối với vấn đề về mua thuốc, vật tư y tế (Điều 23, 28, 55-58), ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, đây là nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn thời gian gần đây. Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách rất chú trọng về nội dung này.

Các quy định mua thuốc, trang thiết bị y tế tại dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tập trung tháo gỡ khó khăn - Ảnh 2.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Dự thảo luật cũng đã dành nhiều điều, khoản để quy định về vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế. 

Trong đó, tại Điều 23 về chỉ định thầu quy định áp dụng chỉ định thầu đối với "Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân"; Điều 28 về Hình thức "đàm phán giá" được quy định áp dụng riêng đối với "các gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; thuốc, dược liệu chỉ có từ 1 đến 2 nhà sản xuất và trường hợp đặc thù khác"; Chương V (từ điều 55 đến điều 58) quy định về "mua sắm tập trung, mua thuốc"…

Ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, các quy định về mua thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế nhằm tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã và đang diễn ra trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, một số quy định mới còn ý kiến khác nhau, cụ thể như: có ý kiến cho rằng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 23 về gói thầu "phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay" có thể dẫn đến lạm dụng chỉ định thầu; Điều 57 còn có ý kiến khác nhau về việc quy định Danh sách nhà thầu (tại khoản 1); Dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 57 để áp dụng cho các trường hợp mua hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm kèm theo yêu cầu nhà thầu phải cung cấp trang thiết bị y tế để sử dụng hóa chất, sinh phẩm đó, nhằm góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng máy đặt, máy mượn để xét nghiệm tại các bệnh viện hiện nay.

Giải trình các vấn đề liên quan, trước ý kiến băn khoăn quy định tại Điều 23 có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng chỉ định thầu, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận khẳng định, quy định trong trường hợp này là cần thiết. Việc mua các vật tư, trang thiết bị, hóa chất phòng chống dịch có những điều kiện kèm theo, ví dụ phải được bố trí vốn, kinh phí để mua. Trường hợp xảy ra thiên tai, cơ sở y tế cấp huyện, cấp tỉnh, nhu cầu thuốc, trang thiết bị tăng đột biến được phép mua để đáp ứng yêu cầu cấp cứu…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng cần áp dụng hình thức chỉ định thầu để ứng phó với các tình huống cấp bách liên quan đến dịch bệnh, thiên tai… Luật cần quy định nguyên tắc để có cơ sở pháp lý rõ ràng để tiến hành, đảm bảo khả thi, cụ thể, rõ ràng, minh bạch.

Lâm Nghi