Sửa Luật Đất đai: Tuyệt đối tránh hợp thức hóa vi phạm hiện hữu

22:15 22/09/2022

"Chỉ cụ thể hóa những gì đã chín, đã rõ. Những gì đã không đưa vào nghị quyết thì không đưa vào luật, vì làm như thế là sai nguyên tắc. Không thể đưa vào dự thảo phương án 1 phương án 2 để xin ý kiến", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Sáng 22/ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo luật Đất đai (sửa đổi). Cho ý kiến về dự án Luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh sửa luật Đất đai tuyệt đối tránh hợp thức hóa các sai phạm hiện nay, đồng thời không phải cứ tổ chức, cá nhân có ý kiến, đề xuất cũng đưa vào luật.

Tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 4 tới và sẽ được xem xét, thông qua sau 3 kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Các nội dung đổi mới cơ bản là: Làm rõ phạm vi quy định của Luật Đất đai với các luật khác có liên quan. Quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai và quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai. Đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo đảm thống nhất, đồng bộ, gắn kết thúc đẩy phát triển; quản lý chặt chẽ đất đai về số lượng, chất lượng.

Tăng cường công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tiếp cận đất đai. Tiếp tục thực hiện công khai minh bạch trong thu hồi đất; giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Hoàn thiện các quy định để thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất; phát huy nguồn lực đất đai. Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận, sửa Luật Đất đai là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực cũng như thực hiện chủ trương chống tiêu cực, cài cắm lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.

"Tổng Bí thư đã nói rồi, giàu cũng vì đất, nghèo cũng vì đất. Tranh chấp khiếu kiện 60 - 70% vì đất đai. Cạn tàu ráo máng với nhau cũng vì đất đai, mất tình làng nghĩa xóm, anh em trong nhà cũng vì đất đai. Thậm chí tham nhũng, đi tù đi tội cũng vì đất đai… Án dân sự, hành chính, hình sự cũng từ đất đai", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan trong sửa Luật Đất đai là rất lớn.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, quá trình sửa đổi luật cần bám sát chủ trương của Đảng, trực tiếp là Nghị quyết 18 và cụ thể hóa bằng quy định pháp luật chứ không nhắc lại nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Khi xây dựng Nghị quyết 18 có 19 nhóm vấn đề lớn khác nhau đặt ra cho ý kiến. Tuy nhiên, Bộ Chính trị khi trình T.Ư rút lại chỉ còn 16 nhóm. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị những vấn đề chưa rõ, chưa chín, chưa đủ cơ sở đã được kết luận trong Nghị quyết của T.Ư thì "tuyệt đối chưa đưa vào luật".

"Chỉ cụ thể hóa những gì đã chín, đã rõ. Những gì đã không đưa vào nghị quyết thì không đưa vào luật, vì làm như thế là sai nguyên tắc. Không thể đưa vào dự thảo phương án 1 phương án 2 để xin ý kiến", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

P.V