Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm: Phòng ngừa tối đa gian lận bảo hiểm

11:06 16/03/2021

Để hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận bảo hiểm, tại dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã được bổ sung nhiều quy định liên quan đến nội dung này.

Đáng chú ý, tại dự thảo này quy định, trong trường hợp xảy ra tổn thất, người được bảo hiểm không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm, và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hoặc giảm thiểu tổn thất, trừ trường hợp pháp luật có quy định hoặc các bên có thoả thuận khác.

Theo dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đối với các quy định về an toàn, dự thảo nêu rõ, người được bảo hiểm phải thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động, vệ sinh lao động và những quy định khác của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm. Song song với đó, tổ chức kinh doanh bảo hiểm có quyền kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm hoặc khuyến nghị, yêu cầu người được bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế rủi ro.

Trong trường hợp người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm thì tổ chức kinh doanh bảo hiểm có quyền ấn định một thời hạn để người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đó; nếu hết thời hạn này mà các biện pháp bảo đảm an toàn vẫn không được thực hiện thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tăng phí bảo hiểm hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Đối với nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm khi xảy ra tổn thất, dự thảo nêu rõ, trường hợp xảy ra tổn thất liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm có nghĩa vụ tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngăn ngừa, hạn chế tổn thất và bảo đảm cho việc thực hiện quyền khiếu nại của người bảo hiểm hoặc tổ chức kinh doanh bảo hiểm với người có lỗi gây ra tổn thất. Khi thực hiện nghĩa vụ này, bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm cần thực hiện theo chỉ dẫn hợp lý của tổ chức kinh doanh bảo hiểm và theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, nếu có.

Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm phòng ngừa gian lận bảo hiểm. 

Cùng với đó, tổ chức kinh doanh bảo hiểm không phải chịu trách nhiệm đối với tổn thất xảy ra do bên mua bảo hiểm hay người được bảo hiểm cố ý không thực hiện nghĩa vụ. Tổ chức kinh doanh bảo hiểm có trách nhiệm bồi hoàn cho bên mua bảo hiểm hay người được bảo hiểm mọi chi phí hợp lý và cần thiết do bên mua bảo hiểm hay người được bảo hiểm đã phải sử dụng để ngăn ngừa, hạn chế tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm.

Để đề phòng, hạn chế tổn thất của doanh nghiệp bảo hiểm, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nêu rõ, tổ chức kinh doanh bảo hiểm có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa để bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm phù hợp với các quy định của pháp luật. 

Các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất bao gồm: tổ chức tuyên truyền, giáo dục; tài trợ, hỗ trợ các phương tiện, vật chất để đề phòng, hạn chế tổn thất; hỗ trợ, thực hiện các công việc nhằm mục đích đề phòng, giảm nhẹ mức độ rủi ro cho các đối tượng bảo hiểm...

Đặc biệt, để phòng chống gian lận bảo hiểm, cơ quan soạn thảo đã xây dựng quy định: tổ chức kinh doanh bảo hiểm phải có trách nhiệm xây dựng quy trình khai thác, thẩm định, bồi thường để xác định, đánh giá đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết về người được bảo hiểm, đối tượng được bảo hiểm, người thụ hưởng bảo hiểm, hồ sơ, tài liệu có liên quan trước khi có quyết định bảo hiểm, chi trả tiền/bồi thường bảo hiểm, phòng chống gian lận bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Khi có tranh chấp, theo quy định tại dự thảo, hình thức giải quyết tranh chấp sẽ là: thương lượng giữa các bên; hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải; giải quyết tại trọng tài hoặc toà án theo thỏa thuận giữa các bên.

Dự thảo cũng quy định rõ, trọng tài bảo hiểm là phương thức giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm do các bên thoả thuận theo nguyên tắc công khai, độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.

P.V