“Sóng và máy tính cho em”: Tạo cơ hội học tập bình đẳng cho học sinh nghèo tại Phú Thọ

09:12 23/10/2021

Thực hiện chương trình phát động của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang tích cực hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Mục tiêu chương trình đề ra là 100% học sinh có đủ thiết bị học trực tuyến, đáp ứng nhu cầu học tập trực tuyến của học sinh trong điều kiện dịch bệnh phức tạp phải tạm dừng đến trường.

VNPT Phú Thọ trao tặng máy tính cho học sinh nghèo huyện Lâm Thao
VNPT Phú Thọ trao tặng máy tính cho học sinh nghèo huyện Lâm Thao.

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ (GD&ĐT) cho biết: Dịch bệnh COVID-19 hiện đang diễn biến phức tạp, các trường học trên địa bàn thành phố Việt Trì và một số huyện đã tạm thời cho học sinh dừng đến trường để thực hiện công tác phòng chống dịch. Việc chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến là cần thiết để đảm bảo kế hoạch, tiến độ của năm học. Tuy nhiên nhiều gia đình học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh thuộc diện chính sách, học sinh bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 không đủ điều kiện mua sắm phương tiện, thiết bị học tập trực tuyến.Theo thống kê của Sở GD&ĐT hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 45 nghìn học sinh có nhu cầu hỗ trợ máy tính và thiết bị học tập trực tuyến. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học” và công tác tổ chức dạy học trực tuyến của ngành GD&ĐT.

Để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn học tập trực tuyến thuận lợi, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, đánh giá và có phương án đảm bảo đường truyền tín hiệu internet trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện phục vụ cho phương án dạy học trực tuyến, không để xảy ra tình trạng sóng kém, sóng không ổn định, làm gián đoạn quá trình dạy và học.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ cho biết: Qua rà soát, hiện toàn tỉnh còn 19 điểm chưa phủ sóng. Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh thực hiện phủ sóng toàn bộ các điểm chưa có kết nối internet di động. Kế hoạch trong năm 2021 sẽ phủ sóng 7 điểm (trong đó điểm Sinh Tàn, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn đã hoàn thành). 

VNPT lắp đặt đường truyền cáp quang tại khu Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn
VNPT lắp đặt đường truyền cáp quang tại khu Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông cũng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông giảm, miễn phí cước internet, các nền tảng dạy học trực tuyến để các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đều có thể tiếp cận được dịch vụ.Phối hợp với Sở GD&ĐT lựa chọn, giới thiệu các phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp; xây dựng và tổ chức triển khai phương án đảm bảo học sinh tiếp cận với internet an toàn và lành mạnh, đặc biệt trong giai đoạn tổ chức dạy và học trực tuyến. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh tuyên truyền các hoạt động của Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; động viên khích lệ, chia sẻ những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ giáo viên, học sinh, nhà trường đã và đang vượt qua những khó khăn của dịch bệnh COVID-19 để tổ chức dạy tốt, học tốt, bảo đảm  “ngừng đến trường, không ngừng học”.

Đồng hành cùng Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, VNPT Phú Thọ có gói cước cho học sinh, sinh viên với mức ưu đãi bằng 50% gói cước thông thường. Đồng thời, đơn vị tiến hành đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng mạng di động Vinaphone, mạng internet cáp quang Fiber VNN để mở rộng phạm vi phục vụ đến tận vùng sâu vùng xa, sẵn sàng cho việc dạy và học trực tuyến. Hiện nay, VNPT là nhà mạng đầu tiên và duy nhất cung cấp dịch vụ cáp quang và di động tại khu Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn.

VNPT Phú Thọ cũng cam kết miễn phí phần mềm dạy và học trực tuyến VNPT-LMS cho giáo viên, học sinh trong thời gian dịch bệnh COVID-19. Đây là phần mềm triển khai trên hạ tầng của VNPT đảm bảo ổn định trong suốt quá trình dạy và học, ngoài ra còn có thể ứng dụng linh hoạt trên các phần mềm Zoom, Microsoft Team, Google Meet… 

Thầy giáo Nguyễn Văn An trao tặng 10 bộ máy tính cho 10 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường Phổ thông Hermann Gmeiner thành phố Việt Trì
Thầy giáo Nguyễn Văn An trao tặng 10 bộ máy tính cho 10 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường Phổ thông Hermann Gmeiner thành phố Việt Trì.

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, huy động nguồn lực tổng thể của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ thiết bị, hạ tầng, dịch vụ viễn thông cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch COVID-19.

Chia sẻ với các em học sinh nghèo không có máy tính phục vụ học trực tuyến, thầy giáo Nguyễn Văn An - Giáo viên Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Việt Trì đã tìm mua lại được những bộ máy tính cũ, sửa chữa, nâng cấp và trang bị thêm phụ kiện để tặng cho các em. Vào đầu tháng 10/2021, khi các bộ máy tính vừa được trao đến tay 10 em học sinh Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Việt Trì có hoàn cảnh khó khăn thì cũng là lúc dịch bệnh trên địa bàn căng thẳng, các em phải chuyển từ hình thức học trực tiếp sang trực tuyến. Đây là món quà ý nghĩa, kịp thời, giúp các em có điều kiện học tập, nỗ lực vươn lên.

Dịch COVID-19 hiện đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác dạy và học. Hàng nghìn học sinh, sinh viên đã không thể tới trường học tập một cách bình thường. Hỗ trợ, quyên góp, huy động “Sóng và máy tính cho em” là hoạt động thể hiện tinh thần nhân ái, đề cao giá trị tốt đẹp của người Việt Nam. Tin tưởng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, của tỉnh và sự chung tay, góp sức của cộng đồng, doanh nghiệp, ngành Giáo dục sẽ kịp thời thích ứng và triển khai dạy và học trực tuyến đảm bảo chất lượng, tiến độ khung thời gian năm học; đồng thời mở ra cơ hội học tập lớn cũng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

PV