Sơn La tăng cường hợp tác nông nghiệp với các tỉnh Bắc Lào Sơn La: Đường tỉnh 120C mở lối phát triển liên vùng Tây Bắc Sơn La công khai 90 doanh nghiệp nợ thuế hơn 68 tỷ đồng |
![]() |
Sản phẩm cà phê của HTX Aratay Coffee, (xã Chiềng Mai) |
Với độ cao, khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, tỉnh Sơn La từ lâu đã trở thành vùng trồng cà phê Arabica lớn nhất miền Bắc. Từ những năm 1990, cây cà phê đã bén rễ trên vùng đất này và nay đã phủ xanh hơn 24.300 ha. Sản lượng cà phê nhân năm 2025 ước đạt 37.724 tấn, trong đó 17.800 tấn được xuất khẩu với giá trị gần 70 triệu USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Các thị trường chính gồm EU, Bắc Mỹ, Trung Đông và ASEAN.
Mục tiêu đến năm 2025, ngành cà phê Sơn La sẽ đóng góp 6-8% tổng giá trị xuất khẩu ngành trồng trọt của tỉnh, sản lượng xuất khẩu trên 25.000 tấn cà phê nhân, giá trị gần 100 triệu USD. Tỷ lệ cà phê quả tươi được chế biến công nghiệp đạt 30%, chế biến sâu đạt 5%.
Theo bà Cầm Thị Phong – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La, hiện toàn tỉnh có 23.448 ha cà phê đạt chứng nhận 4C và RA, 543,7 ha hữu cơ, 141 ha VietGAP và 36,8 ha đã được cấp mã số vùng trồng. Tỉnh duy trì 5 chuỗi cà phê với tổng diện tích 2.160 ha. Đáng chú ý, cuối năm 2022, Sơn La công nhận hai vùng trồng cà phê ứng dụng công nghệ cao tại 18 bản của xã Chiềng Mai và Mường Chanh với tổng diện tích 1.039 ha, có 1.560 hộ tham gia.
Bên cạnh vùng nguyên liệu, tỉnh chú trọng xây dựng thương hiệu và chất lượng sản phẩm. Đến nay, “Cà phê Sơn La” đã được cấp chỉ dẫn địa lý, với 8 tổ chức được quyền sử dụng. Trong khuôn khổ chương trình OCOP, tỉnh có 5 sản phẩm cà phê đạt từ 4 đến 5 sao, nổi bật như cà phê bột nguyên chất HTX Cà phê Bích Thao (5 sao), Aratay Coffee, cà phê Arabica Minh Trí, trà vỏ cà phê Bích Thao, và cà phê rang xay của Công ty TNHH Cà phê Sơn La (đều đạt 4 sao).
![]() |
Vườn cà phê THA1 (HTX Cà phê Bích Thao Sơn La) |
Hiện toàn tỉnh có 28 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến cà phê, trong đó 5 cơ sở chế biến công nghiệp đáp ứng khoảng 50% nhu cầu chế biến quả tươi. Các đơn vị tích cực áp dụng công nghệ xử lý chất thải, sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm, vừa giảm thiểu ô nhiễm, vừa nâng cao giá trị gia tăng.
Song song với đó, Sơn La còn triển khai nhiều dự án hỗ trợ tái canh, nâng cao chất lượng giống và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiêu biểu là Dự án “Xây dựng mô hình tái canh cà phê Arabica” do tổ chức GIZ (CHLB Đức) tài trợ. Dự án cung cấp 350.000 cây giống cà phê THA1, 1.000 cây mắc ca, gần 55 tấn phân hữu cơ vi sinh cùng các vật tư kỹ thuật khác, hỗ trợ tái canh 25,7 ha tại các địa phương, kết hợp trồng xen mắc ca nhằm tăng hiệu quả kinh tế.
Bà Ngần Thị Minh Thanh – Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Sơn La - cho biết, các mô hình trình diễn với giống THA1 đạt kết quả tích cực, tỷ lệ sống cao, sinh trưởng tốt, khả năng chống sâu bệnh vượt trội. Bên cạnh đó, hàng loạt lớp tập huấn giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, chú trọng ứng dụng kỹ thuật, hướng đến sản xuất cà phê hiệu quả, bền vững hơn.
Với định hướng chiến lược, nỗ lực đầu tư đồng bộ và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp – hợp tác xã, tỉnh Sơn La đang từng bước nâng tầm thương hiệu cà phê Arabica trên bản đồ cà phê thế giới.