Sóc Trăng, một trong những tỉnh nằm ở Đồng bằng sông Cửu Long, là điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu thích khám phá vẻ đẹp độc đáo của miền Tây Nam Bộ. Với nhiều di sản văn hóa phong phú và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, Sóc Trăng hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên.
Bên cạnh đó, Sóc Trăngđược biết đến với nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer, Hoa và Kinh. Các công trình kiến trúc tôn giáo như chùa Dơi, chùa Chén Kiểu không chỉ thu hút rất đông du khách mà còn mở ra cơ hội đầu tư vào lĩnh vực du lịch và dịch vụ.
Những chén, dĩa đươc trang trí khéo léo ở bậc cầu thang Chùa Chén Kiểu
|
Với những lợi thế và tiềm năng sẵn có, Sóc Trăng đang nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Sự kết hợp giữa điều kiện tự nhiên ưu đãi, nguồn nhân lực chất lượng và chính sách hỗ trợ đầu tư thông thoáng sẽ là động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế của tỉnh phát triển bền vững. Các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội mới nên cân nhắc Sóc Trăng như một điểm đến lý tưởng trong chiến lược kinh doanh của mình.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng, năm 2023, có trên 2,9 triệu lượt khách đến Sóc Trăng; tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.550 tỷ đồng, 4,4% so năm 2022.
Năm 2022, Tổ chức Guinness Việt Nam đã công nhận “Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng có số lượng ghe ngo và vận động viên đông nhất” Việt Nam từ năm 2005 đến nay. |
Ông Trần Minh Lý - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng chia sẻ: Sóc Trăng có chiều dài bờ biển là 72km, có 3 cửa sông lớn là Trần Đề, Định An và Mỹ Thanh nên rất thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy. Toàn tỉnh có 5 tuyến quốc lộ kết nối Sóc Trăng với các tỉnh, thành phố trong và ngoài khu vực để phát triển du lịch. Đồng thời, tỉnh còn là vùng đất kết tinh nét văn hóa đặc sắc của các cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer, Hoa thể hiện qua hệ thống chùa chiền đa dạng, kiến trúc đặc sắc, lễ hội văn hóa đặc trưng.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã đầu tư trên 2.500 tỷ đồng để đầu tư, cải tạo và nâng cấp nhiều công trình giao thông phục vụ dân sinh và phát triển du lịch; đầu tư các công trình văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ du khách. Ngoài ra, tỉnh còn khai thác nhiều dự án để phát triển sản phẩm du lịch từ nguồn kinh phí xã hội hóa, công nhận 4 điểm du lịch, hình thành một số sản phẩm du lịch.
Đặc biệt, tháng 4/2022 UBND tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, với tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án là 3.588,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngành du lịch tỉnh Sóc Trăng đang đối diện với một số khó khăn như: sản phẩm du lịch đặc thù còn ít; thiếu các khu vui chơi giải trí để thu hút khách lưu trú; hệ thống cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp (chưa có khách sạn 4, 5 sao); chưa khai thác tốt các loại hình di sản văn hoá, di tích lịch sử; nguồn vốn thu hút đầu tư vào du lịch còn nhiều hạn chế; nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu…
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng |
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là khung pháp lý quan trọng, làm căn cứ để triển khai các chương trình phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Theo đó, ngành du lịch tỉnh phát triển theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại và phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng.
Khám phá vẻ đẹp Miền Tây Nam Bộ
Sóc Trăng cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 231 km, thời điểm tốt nhất để du lịch Sóc Trăng là từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, khi thời tiết khô ráo và mát mẻ. Đặc biệt, Sóc Trăng nổi tiếng với nhiều lễ hội đặc sắc và là nơi giao thoa văn hóa của 3 dân tộc: Kinh - Khmer - Hoa, tạo nét văn hóa mang đậm màu sắc riêng, như: công trình kiến trúc, văn nghệ, thể thao, ẩm thực; lễ hội Oóc Om Bóc của người Khmer, thường diễn ra vào tháng 10 âm lịch, với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc.
Đua ghe ngo - một phần trong lễ hội Oóc Om Bóc của người Khmer, mang đậm những nét đẹp Văn hóa của người Khmer Nam Bộ. |
Sóc Trăng còn là điểm đến thật sự lôi cuốn du khách bởi đây là vùng đất của những ngôi chùa nổi tiếng, độc đáo như chùa: Mahatup (chùa Dơi), Kh’leang, Bô Tum Vong Sa Som Rong, Đất Sét, Peam Buôl Thmây (thành phố Sóc Trăng), Sà Lôn (chùa Chén Kiểu, huyện Mỹ Xuyên)… Đây là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Trong đó, có những ngôi chùa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh. Người Khmer Sóc Trăng có truyền thống văn hóa từ lâu đời với phong tục tập quán, các điệu múa dân gian, kiến trúc chùa, nghề truyền thống… Nét văn hóa đa dạng này đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của tỉnh, tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm thực tế nhân các dịp lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer.
Chùa Kh’leang là ngôi chùa có sự giao thoa văn hóa của 3 dân tộc Khmer, Hoa và Kinh trong lối kiến trúc |
Chùa Dơi: Nổi tiếng với kiến trúc độc đáo và đàn dơi khổng lồ sinh sống tự nhiên. Đây cũng là ngôi chùa có giá trị lịch sử và tâm linh quan trọng với người dân địa phương.
Chùa Chén Kiểu: Một công trình kiến trúc ấn tượng, nơi các mảnh sành sứ được tận dụng trang trí tạo thành hình ảnh đặc sắc.
Chợ nổi Ngã Năm: Trải nghiệm văn hóa sông nước đặc trưng miền Tây, chợ nổi Ngã Năm là nơi bạn có thể thưởng thức hương vị ẩm thực và tham gia mua sắm những sản vật địa phương tươi ngon.
Vào dịp lễ hội, ngôi chùa Khmer không chỉ là nơi thực hiện các nghi lễ theo phong tục tập quán của đồng bào phật tử mà còn là địa điểm hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi của cộng đồng. Ngôi chùa cũng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện đậm nét phong cách kiến trúc truyền thống và sự kế thừa sáng tạo của cộng đồng người Khmer Nam Bộ qua nhiều thế hệ.
Chùa Som Rong được nhiều bạn trẻ thăm viếng và check-in bởi kiến trúc độc đáo – Top 8 chùa ở Sóc Trăng nổi tiếng |
Hiện Sóc Trăng có 93 ngôi chùa Khmer, đây là một lợi thế, tiềm năng khai thác du lịch văn hóa tâm linh rất lớn của tỉnh. Bên cạnh đó, Sóc Trăng còn được xem là vùng đất của các lễ hội truyền thống đặc trưng, thu hút khách khắp nơi về tham gia. Nổi bật như, Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo, Thắk Kôn (cúng Dừa), Nghinh Ông, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sene Đôn Ta, lễ dâng y Kathina, Lễ hội Chrôy Rum Chếk (cúng Phước Biển Vĩnh Châu), Lễ cúng Bà Thiên Hậu… được tổ chức quanh năm ở các địa phương trong tỉnh.
Dâng cơm lên sư sãi nhằm hồi hướng quả phúc đến bậc gia tiên là một trong những hoạt động chính trong những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây |
Các nghi lễ của Tết Chol Chnam Thmay chủ yếu diễn ra tại các ngôi chùa của đồng bào Khmer. (Nguồn: TT) |
Việc khai thác những tiềm năng và thế mạnh sẵn có từ bản sắc văn hóa đặc trưng của 3 dân tộc: Kinh - Khmer - Hoa, thời gian tới, Sóc Trăng phát triển 10 sản phẩm chủ lực gồm: Du lịch văn hóa tâm linh (thành phố Sóc Trăng); du lịch văn hóa lễ hội - ẩm thực (thành phố Sóc Trăng); khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên (huyện Châu Thành); du lịch sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách); du lịch sinh thái biển Cù Lao Dung và Hồ Bể (thị xã Vĩnh Châu); điểm du lịch Tân Huê Viên; du lịch sinh thái rừng tràm kết hợp về nguồn tại Khu căn cứ Tỉnh ủy (huyện Mỹ Tú); du lịch văn hóa thương hồ chợ nổi Ngã Năm; du lịch sinh thái biển Mỏ Ó (huyện Trần Đề). |