Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng năm 2024 đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều đạt và vượt nghị quyết đề ra. Trong 24 chỉ tiêu nghị quyết, có 15 chỉ tiêu vượt và 9 chỉ tiêu đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 ước đạt 7% (đạt chỉ tiêu nghị quyết), trong đó, khu vực I tăng 3,94%; khu vực II tăng 10,3%; khu vực III tăng 8,96%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,85%. GRDP bình quân đầu người đạt 69,1 triệu đồng/người/năm, vượt gần 5,2% chỉ tiêu nghị quyết. Cơ cấu kinh tế khu vực I - II - III tương ứng là 40,97% - 16,18% - 39,77%, cơ bản đạt chỉ tiêu nghị quyết.
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng năm 2024 đạt được nhiều kết quả quan trọng |
Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai các chương trình, đề án chuyển đổi sản xuất, các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 75/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt chỉ tiêu nghị quyết), 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% (vượt chỉ tiêu nghị quyết). Lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch tiếp tục đà tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 103.000 tỷ đồng, vượt 14,4% chỉ tiêu nghị quyết, tăng 17,1% so cùng kỳ năm 2023.
Giá trị xuất khẩu đạt 1.800 triệu USD, vượt 20% chỉ tiêu nghị quyết, tăng gần 20% so năm 2023. Giá trị nhập khẩu ước đạt 200 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2023. Trong năm, toàn tỉnh đón 3,12 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 7,9% so cùng kỳ; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt khoảng 1.858 tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ năm 2023.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên. Số hộ nghèo giảm trong năm là 500 hộ, đạt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 85,15%, đạt kế hoạch và tăng 2,54% so với năm 2023. An sinh xã hội được tập trung đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân năm 2024 là 1% (trong đó hộ nghèo Khmer là 2%).
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đã nhấn mạnh, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, thuận lợi, thách thức đan xen và là hội nghị rất quan trọng để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024; đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2025.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn |
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh và các địa phương quán triệt sâu sắc 3 nội dung quan trọng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thực tiễn từng cơ quan, đơn vị, địa phương thảo luận Tờ trình báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2024; đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị năm 2025.
Ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy mạnh mẽ thu hút đầu tư, cơ cấu lại nền kinh tế và nhanh chóng khắc phục những tồn tại (thủ tục hành chính rườm rà, giải ngân vốn chậm, giải phóng mặt bằng khó khăn, nguồn vật liệu san lấp còn thiếu). Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tái cơ cấu sản xuất và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Cần đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản… Việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phải gắn với bảo đảm chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.
Lãnh đạo các sở, ngành, các địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, đề ra các giải pháp thực hiện cho các mục tiêu, nhiệm vụ cần tập trung hoàn thành năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.