Thị trường lao động Việt Nam trong quý III/2024 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, dù vẫn còn một số điểm đáng lưu tâm. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước ghi nhận 1,05 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm so với quý II và cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động duy trì ở mức 2,24%, tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên vẫn ở mức cao, đạt 7,75%. Đáng chú ý, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý III giảm mạnh so với cả quý trước lẫn cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn hơn 243.700 người, trong khi số người được hỗ trợ học nghề là gần 6.800 người.
Số người thất nghiệp và đề nghị trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh. |
Về cơ cấu trình độ chuyên môn, nhóm lao động không có bằng cấp, chứng chỉ tiếp tục chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, đạt 62,4%. Nhóm lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 17,1%, trong khi các nhóm có trình độ cao đẳng, trung cấp, và chứng nhận nghề sơ cấp chiếm tỷ lệ nhỏ hơn, lần lượt là 7,1%, 6,6% và 6,8%. Phân theo ngành nghề, công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu với 46% lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tiếp theo là hoạt động dịch vụ khác với 29,8%. Các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, xây dựng, bán buôn và bán lẻ cũng nằm trong nhóm có số lao động thất nghiệp cao. Đặc biệt, nghề thợ may, thêu và các thợ liên quan chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm nghề có lao động thất nghiệp, đạt 22,6%, theo sau là các nhóm nghề lắp ráp, bán hàng, kế toán, và giao hàng.
Dự báo cho quý IV, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kỳ vọng số người có việc làm sẽ đạt 51,68 triệu người, tăng thêm 116.000 người so với quý trước. Một số ngành như sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; chế biến thực phẩm được dự báo sẽ có nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh, với mức tăng lần lượt là 4,5%, 3,6%, và 2,4%. Tuy nhiên, một số lĩnh vực như khai thác than, sản xuất thiết bị điện, và nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản dự kiến sẽ giảm việc làm.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng, thị trường lao động trong quý III tiếp tục khởi sắc. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,5 triệu người, tăng hơn 210.000 người so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động có việc làm đạt 51,4 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 2,26% và tỷ lệ thiếu việc làm giảm xuống 1,99%. Thu nhập bình quân tháng của người lao động cũng có sự cải thiện đáng kể, đạt 7,6 triệu đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lao động nam có mức thu nhập bình quân 8,6 triệu đồng/tháng, cao hơn so với lao động nữ (6,4 triệu đồng/tháng). Thu nhập bình quân của lao động khu vực thành thị đạt 9,2 triệu đồng/tháng, cao hơn so với khu vực nông thôn (6,5 triệu đồng/tháng).
Những con số này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lao động sau những biến động từ đại dịch Covid-19, dù vẫn còn một số ngành nghề và nhóm lao động cần được quan tâm đặc biệt để đảm bảo sự phát triển bền vững trong thời gian tới.