Trong năm 2023, tỉnh Đắk Lắk tập trung các nguồn lực để kêu gọi nguồn vốn đầu tư hai dự án thuộc Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: Nhà máy chế biến nông sản, với tổng vốn đầu tư 7 triệu USD; Nhà máy chế tạo cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư 22 triệu USD và các dự án liên quan khác.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Kế hoạch - Đầu tư thì việc thu hút đầu tư vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn những khó khăn.
Hiện nay, số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu về môi trường đầu tư và thực hiện đầu tư còn thấp so với tiềm năng của tỉnh. Trong đó, chưa có nhiều nhà đầu tư mạnh có năng lực về tài chính và công nghệ, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng.
Các dự án đầu tư từ các nước phát triển, tập đoàn lớn vào địa bàn tỉnh còn khiêm tốn. Nhà đầu tư nước ngoài là những doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỉ lệ cao.
Bên cạnh đó, mặc dù là địa phương có diện tích đất tự nhiên lớn, nhưng quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư rất hạn chế. Một số dự án đã được giao đất, thuê đất tuy nhiên việc triển khai đầu tư xây dựng còn chậm.
Nguyên nhân là do vướng mắc trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng, đặc biệt các dự án sử dụng đất nông, lâm nghiệp có diện tích lớn.
Mặt khác, do đặc thù của tỉnh miền núi với diện tích rộng lớn, địa hình phức tạp. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ, nhiều tuyến đường kết nối liên xã, liên huyện, liên tỉnh bị xuống cấp, hư hỏng.
Chính điều này đã gây ra những khó khăn cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, giảm tính kết nối giữa vùng nguyên liệu và nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến.
Hạn chế về cơ sở hạ tầng cũng làm gia tăng giá thành, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm. Từ đó, làm ảnh hưởng đến công tác kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Cũng theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, một nguyên nhân nữa là việc triển khai các thủ tục giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đấu giá còn chậm nên các dự án được cho phép nghiên cứu, đề xuất dự án gặp khó khăn trong quá trình triển khai.
Trước thực tế trên, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Đắk Lắk đề nghị Trung ương hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh được tham gia các hội thảo, các Đoàn công tác vận động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài. Qua đó, được trao đổi và học tập kinh nghiệm với các tỉnh, thành trong cả nước, với các tổ chức và các nhà đầu tư.
Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để cải thiện tình hình, gia tăng các lợi thế thu hút nguồn vốn FDI, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh đang nỗ lực là tập trung nguồn lực giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo nhiều quỹ đất “sạch” để thu hút đầu tư. Ngoài ra, việc tạo cơ chế thông thoáng và các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư cũng đang được tập trung triển khai.
Tính đến nay, Đắk Lắk đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 22 dự án (ngoài khu công nghiệp), với tổng vốn đăng ký là hơn 595 triệu USD do các nhà đầu tư từ 8 quốc gia: Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Mỹ và Hà Lan thực hiện. Trong đó có 8 dự án trong lĩnh vực dịch vụ, sản xuất, với tổng số vốn đăng ký hơn 43 triệu USD; 6 dự án trong lĩnh vực điện gió với vốn đầu tư hơn 430 triệu USD; 6 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, với tổng số vốn đăng ký gần 117 triệu USD; 1 dự án lĩnh vực môi trường, với vốn đầu tư 4,4 triệu USD và 1 dự án lĩnh vực giáo dục với vốn đầu tư 0,1 triệu USD.
Lâm Nghi