Siết thuế trực tuyến với hoạt động TMĐT xuyên biên giới

21:30 21/03/2022

Tổng cục Thuế chủ động nghiên cứu, đề xuất, triển khai khẩn trương các giải pháp để chống thất thu thuế thương mại điện tử.

Ngày 21/3, tại Hà Nội, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong những năm qua, Bộ Tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng đã tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý cũng như nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Siết thuế trực tuyến với hoạt động TMĐT xuyên biên giới
Siết thuế trực tuyến với hoạt động TMĐT xuyên biên giới.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thương mại điện tử đang ngày càng phát huy được lợi thế, đóng vai trò vô cùng quan trọng, trở thành một phương thức kinh doanh mới và ngày càng trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu.

Đáng chú ý, "hoạt động thương mại điện tử nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới vì những đóng góp to lớn đối với tăng trưởng kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát những năm vừa qua", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

Thời gian qua, Tổng cục Thuế chủ động nghiên cứu, đề xuất, triển khai khẩn trương các giải pháp để chống thất thu thuế thương mại điện tử. Theo đó, Tổng cục Thuế tham mưu xây dựng hệ thống cơ chế chính sách pháp luật, tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, đồng thời, góp phần tạo ra sự công bằng, minh bạch đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, với đặc thù của các nhà cung cấp ở nước ngoài là không có cơ sở thường trú ở Việt Nam, các hoạt động kinh doanh chủ yếu thông qua môi trường số và trên các ứng dụng internet.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, ngay sau sự kiện này, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục triển khai và phối hợp với các đơn vị triển khai các nhóm nhiệm vụ để vận hành thông suốt các ứng dụng và tiếp tục hoàn thiện những hạn chế (nếu có phát sinh) để hoàn thiện, phát triển thêm các dịch vụ thuế số hiện đại, an toàn cho người dân, doanh nghiệp và đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý thuế.

Từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xuyên biên giới dựa trên nền tảng số, thích ứng kịp thời với sự phát triển và các mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh mới trong thời đại chuyển đổi số nhanh chóng trên toàn cầu hiện nay. 

PV