Theo Bộ Tài chính, tại Việt Nam hiện 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (gồm 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ) và 3 công ty đối tác được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài. Số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.
Về quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, theo quy định hiện hành, số thu thuế thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) trung bình trên 1.100 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử dù có sự chuyển biến nhưng số thu này chưa tương xứng với doanh thu khủng của các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới ở Việt Nam như Google, Facebook hay Netflix. Thực tế này không chỉ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, nguy hại hơn, còn tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân gian lận trong kê khai, nộp thuế, cố tình giấu doanh thu, trốn thuế trong hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, bán hàng online vẫn xảy ra nhiều.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa qua, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng, vấn đề chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng số không mới, tuy nhiên, các giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra vẫn chung chung dưới các cụm từ "nỗ lực", "cố gắng". Bởi vậy, mỗi năm, ngành thuế vẫn thất thu khoảng 85% số thuế phải thu từ Google, Facebook.
PV