Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường – thay thế Nghị định 155/2016 và Nghị định 55/2021.
Phân loại rác thải sinh hoạt
Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nhức nhối toàn cầu hiện nay. Việc áp dụng phương pháp phân loại rác ngay từ đầu để tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả.
Rác thải sinh hoạt được định nghĩa là các chất rắn bị loại thải trong quá trình sống, sinh hoạt, sản xuất của con người và động vật. Loại rác thải này khá phổ biến, vì có thể phát sinh từ các hộ gia đình, khu công cộng, khu bệnh viện, thậm chí là khu xử lý phế thải. Hầu hết, bất kì hoạt động sống nào của con người cũng đều sinh ra lượng chất thải mà trong đó, rác thải sinh hoạt là phổ biến hơn cả.
Phân loại rác tại nguồn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích như: Tiết kiệm được tài nguyên, chi phí thu gom, xử lý; Giúp gia chủ tận dụng được những phế liệu tái sử dụng hay ủ phân compost cho cây trồng; Nâng cao nhận thức cộng đồng chung tay giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đối với rác thải sinh hoạt tại nhà thông thường sẽ được phân làm 3 nhóm chính sau: Rác thải hữu cơ dễ phân hủy (có thể tận dụng để ủ phân compost cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng), bao gồm các loại rau củ bị hư, vỏ trái cây, vỏ trứng, thịt cá hư hỏng, thức ăn thừa, bã trà, cà phê…
Nhóm rác vô cơ: Là túi nilon, pin, các vật dụng làm từ gốm sứ, thủy tinh… những loại rác này không thể sử dụng được nữa phải để thu gom xử lý tại các nhà máy rác thải.
Nhóm rác tái chế: bao gồm: giấy, các vật dụng làm từ nhựa, nhôm, sắt và các kim loại có thể tái chế. Các loại rác này khó phân hủy nhưng có thể đưa vào tái chế để phục vụ con người.
Sẽ xử phạt nghiêm
Nghị định 45 đã bổ sung một quy định mới rất đáng chú ý: Xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt theo quy định.
Nghị định 45 cũng quy định cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt với tổng khối lượng từ 300kg/ngày trở lên thì sẽ bị xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi không ký hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải.
Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính: Cảnh cáo; phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm là 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng có thời hạn đối với: Giấy phép môi trường; giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; giấy phép tiếp cận nguồn gen; giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen; quyết định công nhận phòng thí nghiệm nghiên cứu sinh vật biến đổi gen; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính…
Nghị định 45 có hiệu lực từ ngày 25/8 tới, quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 2 năm.
Luật bảo vệ môi trường năm 2020 đã thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường như: “Kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường”.
Bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước. Định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Trần Linh