Doanh nghiệp được giao thu gom và xử lý rác thì cho rằng họ đã làm hết trách nhiệm. Còn lãnh đạo chính quyền địa phương thì cho biết là “huyện đang xử lý...”. Cho nên không biết đến bao giờ người dân mới thoát cảnh phải “sống chung với rác”?
Bãi chôn lấp rác tại tổ dân phố 17, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk có diện tích khoảng 6.000 m2 được hình thành từ năm 1994 bên cạnh nghĩa trang nhân dân của xã Hòa An và thị trấn Phước An. Ban đầu, bãi chôn lấp rác đó chỉ được sử dụng cho dân cư của thị trấn Phước An. Đến năm 2015, do lượng rác trên địa bàn huyện tăng lên, trong đó có phần lớn là rác của thị trấn Phước An, nên UBND huyện Krông Pắc đã tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thu gom, xử lý rác cho huyện và Công ty TNHH Môi trường và Đô thị Đức Tài đã trúng thầu.
Từ khi Công ty TNHH Môi trường và Đô thị Đức Tài được giao nhiệm vụ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị trấn Phước An và một số xã lân cận thì tình trạng ùn ứ rác trong các khu dân cư của các địa phương đó đã không còn nữa. Tuy nhiên, số lượng rác thu gom được cứ ngày một tăng lên. Rác thu gom về bãi thường được đổ thành từng đống và nhiều khi đổ tràn lan trên mặt đất nhiều ngày mới được chôn lấp và việc chôn lấp cũng rất sơ sài, không bảo đảm các quy định về chống ô nhiễm môi trường. Do đó, mùi hôi thối của rác (có cả xác động chết...) bốc lên rất khó chịu gây ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Ông Nguyễn Đình Trực, Thôn trưởng thôn 4, xã Hòa An, huyện Krông Pắc cho biết, nhiều năm qua người dân trong thôn (giáp ranh với tổ dân phố 17, thị trấn Phước An) phải sống chung với mùi hôi thối, ruồi muỗi từ bãi rác bốc lên. Nhiều người đã bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa... “Khổ nhất là khi có gió mùa Tây Nam, mùi hôi thối từ bãi rác thải bốc lên khiến bà con không thể ăn ngon, ngủ yên. Không chỉ gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, bãi rác còn là ổ bệnh nguy hiểm. Nhiều người có rẫy cà phê, tiêu gần khu vực này cũng không thể canh tác được. Đáng lo hơn, rác thải phân hủy lâu ngày gặp trời mưa rỉ nước ngấm vào nguồn nước sinh hoạt của người dân. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND huyện, tỉnh, đại biểu Quốc hội, bà con đã nhiều lần phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, nhưng vẫn không được xử lý”.
Lý giải về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Chuynh, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường và Đô thị Đức Tài phân trần: “Mỗi ngày công ty thu gom về khoảng 60 tấn rác thải sinh hoạt, cứ đổ xuống hố thì rác lại đầy lên vì hố rác quá nhỏ... Nhiệm vụ của anh là cứ đổ xuống thôi, trong dự toán là không có kinh phí (rắc vôi hay phun hóa chất lên rác...) để mà làm. Nói chung là anh khổ lắm. Anh không có kinh phí để mà làm...”
Theo bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc thì “phải nói rằng hố rác trên địa bàn huyện cũng đã quá tải trong những năm vừa qua và chúng tôi cũng đã có nhiều giải pháp để xử lý việc ô nhiễm môi trường đó. Tuy nhiên cũng chỉ mới tạm bợ thôi, còn để xử lý dứt điểm thì chưa. Riêng hố rác ở tổ dân phố 17 thì chúng tôi cũng đã cho san lấp một phần và cũng đã có những giải pháp như: rải vôi hoặc là tủ bạt v.v... nhưng mức độ ô nhiễm cũng chưa dứt điểm lắm. Và huyện cũng đã quy hoạch một bãi rác ở vùng khác và hiện nay thì nhà đầu tư cũng đang triển khai các thủ tục để di dời hố rác này và chuyển sang xử lý theo quy định”.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, năm 2019, Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắc đã triển khai dự án xử lý và cải tạo môi trường bãi rác tổ dân phố 17, thị trấn Phước An với kinh phí 3,5 tỷ đồng. Theo đó, huyện đã đóng cửa một phần bãi rác và triển khai trồng cây xanh quanh bãi rác đó. Đơn vị thực hiện dự án là Công ty Thuận Hiếu. Tuy nhiên đến cuối năm 2020, tình trạng ô nhiễm môi trường từ bãi rác lại “bùng lên” gây bức xúc trong nhiều hộ dân.
“Bây giờ yêu cầu doanh nghiệp phải tìm mọi cách để xử lý vôi hoặc là chôn lấp chứ không phải đổ dàn trải như vậy nữa mà chúng ta thu gom đến đâu thì có thể chôn lấp đến đó hoặc là sẽ xử lý những hóa chất để làm sao mức độ ô nhiễm môi trường giảm thiểu tối đa”, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk khẳng định.
Cũng theo bà Ngô Thị Minh Trinh, địa phương đang triển khai mời gọi nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị trấn Phước An và khu vực phụ cận. Hiện nay đã có một nhà đầu tư quan tâm là Công ty TNHH Đoàn Thị Kim, hồ sơ dự án đang trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Về thiết kế, nhà máy xử lý rác hỗn hợp theo công nghệ tiên tiến, không gây ảnh hưởng môi trường, địa điểm thực hiện dự án tại địa bàn buôn Pan, xã Ea Yông.
Như vậy, phương án giải quyết đối với bãi chôn lấp rác tập trung tại thị trấn Phước An đã có, tuy nhiên việc triển khai còn chậm trễ. Trong khi đó, mức độ ô nhiễm môi trường nơi đây sẽ tiếp tục nặng nề hơn nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng. Ông Nguyễn Đình Trực, Thôn trưởng thôn 4, xã Hòa An, huyện Krông Pắc cho rằng: “Nhiều lúc dân họ mong muốn, họ nói mà không được thì họ cũng chán. Tôi là người gần dân nhất, đôi lúc họ cũng đề nghị, họ phản đối lung tung hết, nhưng mà họ nói mà không thực hiện được thì cũng hai năm rồi, người dân thấy cũng nản rồi”.
Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập sẽ tiếp tục thông tin thêm về sự nỗ lực khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác ở TDP17, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.
PV Tây Nguyên