Lần đầu tiên, trong Lễ Hội Đền Hùng thường niên, có một triển lãm hội họa với chất liệu đặc sắc của Việt Nam, đó là Hội họa Sơn mài Việt. Dự án Sơn ta Việt, sự kiện quan trọng của Công ty Cổ phần Sơn Ta Việt, là ý tưởng độc đáo của Chủ tịch HĐQT Công ty Phạm Duy Khoa - Giám đốc Dự án.
Dự án đã khiến Lễ hội Đền Hùng năm nay thêm ý nghĩa khi mang đến những tác phẩm sử dụng nhựa của cây sơn ta quý báu được trồng trên vùng Đất Tổ Phú Thọ. Đặc biệt là với sự tham gia của 9 họa sỹ tên tuổi yêu thích chất liệu sơn ta trong giới Mỹ thuật Việt Nam.
Theo Giám đốc Dự án Phạm Duy Khoa, các họa sỹ tham dự triển lãm tranh sơn mài lần này đều sử dụng chất liệu sơn ta, với tôn chỉ bảo tồn và phát triển chất liệu sơn truyền thống trên các tác phẩm hội họa sơn mài. Triển lãm sẽ trưng bày 32 tác phẩm tranh sơn mài với các chủ đề lễ hội, mang phong cách sáng tác đa dạng như trừu tượng, ấn tượng, biểu hiện… với các kỹ thuật tạo hình sử dụng son, vàng, bạc, vỏ trứng, vỏ ốc… tạo nên sự độc đáo và quý giá về chất liệu.
Nhân dịp này, Công ty Sơn Ta Việt gửi tặng Ban Quản lý Đền Hùng bức tranh sơn mài Linh thiêng Đền Hùng do họa sĩ Nguyễn Trường Linh - Chủ nhiệm CLB Sơn ta - làm chủ đề tài. Bức tranh có kích thước 2mx4,5m, vừa được sáng tác năm nay.
Chia sẻ về tác phẩm này của mình, Hoạ sĩ Nguyễn Trường Linh cho biết: “Tôi thực sự tự hào khi nhận trọng trách thực hiện bức tranh do Ban Lãnh đạo Dự án giao phó. Tiếp xúc với sơn ta từ nhỏ, do gia đình có nghề sơn, tôi đã sáng tác tranh liên tục hơn ba thập kỷ bằng chất liệu sơn ta. Và, Triển lãm này thực sự có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với cá nhân tôi khi được cùng tác phẩm của mình “hành hương” về Nguồn”.
Bức tranh Linh thiêng Đền Hùng mô tả toàn cảnh Đền Hùng, theo phong cách tranh theo hình thức ước lệ, phối cảnh viễn cận tẩu mã.
- Bắt đầu là Cửa vào Trung tâm lễ hội.
- Bảo tàng Hùng Vương
- Cổng chính lên Đền
- Đền Giếng
- Đền Hạ, Chùa Thiên quang và Nhà Bia
- Đền Trung
- Lăng Hùng Vương
- Đền Thượng
- Bên phải bức tranh là hình ảnh Cổng lên Đền Mẫu Âu Cơ và Đền Mẫu
- Bên trái bức tranh là hình ảnh Cổng lên Đền thờ Lạc Long Quân và Đền Lạc Long Quân.
Trong quá trình phác thảo, họa sỹ Nguyễn Trường Linh đã tham gia nhiều lần khảo sát thực địa, tra cứu các tài liệu để xây dựng phác thảo, tạo cho bức tranh có không gian rộng, hoành tráng và cũng được sử dụng ngôn ngữ tạo hình hiện đại để bức tranh có thể lưu giữ đến nhiều thế hệ mai sau.
Trong quá trình thực hiện bức tranh, họa sĩ đã dùng sơn ta cùng các chất liệu quý như: vàng dát – Vàng quỳ 9999; Bạc quỳ; Đỏ Son tự nhiên các độ Trai, Tươi, Nhì, Thắm – được tạo ra từ Chu sa. Ngoài ra, họa sĩ cũng sử dụng nhiều chất liệu màu tự nhiên quý khác trên tác phẩm đặc biệt này của mình.
Không gian tranh mang tính ước lệ, trang trí, họa sĩ Nguyễn Trường Linh đã cách điệu mảng cây kết hợp với các kiến trúc để tạo sự tôn nghiêm. Đây là một trong những thủ pháp vẽ tranh tạo nên sự khoáng đạt với những đại phong cảnh, không đi vào diễn tả rườm rà. Trong tranh có các hoạt cảnh rước kiệu, lễ tế, múa lân, múa rồng và du khách hành hương, các nhóm dâng lễ, dâng bánh chưng, bánh dày, thi thổi cơm…
Với khổ rộng, bức tranh có hình chữ nhật dài theo phong cách Panorama - phương pháp vẽ tranh hoành tráng hiện đại, tạo các góc nhìn rộng, công chúng sẽ thấy toàn cảnh lễ hội sống động. Bức tranh được sử dụng ba tông màu chủ đạo là đỏ son, vàng, nâu để tạo điểm nhấn và gây ấn tượng ngay khi khách tham quan bước chân vào Bảo tàng Hùng Vương.
Bà Lisa Nguyễn, Giám đốc Truyền thông của Công ty Cổ phần Sơn ta Việt cho biết: “Với tinh thần hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao các Vua Hùng và tỉnh Phú Thọ là nơi nguồn gốc của cây sơn ta, Tập thể Công ty Cổ phần Sơn Ta Việt cùng các họa sĩ đã đồng lòng mong muốn tri ân, lan tỏa tinh thần đoàn kết của cả dân tộc nói chung và những người hoạt động trong lĩnh vực sơn ta nói riêng. Trong đó có toàn thể bà con trồng cây sơn, các làng nghề, nghệ nhân, các thế hệ họa sĩ và doanh nghiệp để duy trì, bảo tồn phát triển ngành sơn ta, tranh sơn mài truyền thống.
Ban Lãnh đạo Dự án Sơn Ta Việt hy vọng, Triển lãm tranh sơn mài Về nguồn sẽ tạo một dấu ấn đặc biệt tại Lễ hội Đền Hùng năm nay, và trong công chúng, trong giới mỹ thuật cũng như các bạn bè gần xa và các nhà sưu tập.
Diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Đền Hùng thường niên, Triển lãm tranh sơn mài Về Nguồn kỳ vọng sẽ ghi dấu ấn với sự độc đáo về nội dung cũng như chất liệu sơn truyền thống được dùng từ nhựa cây sơn trồng tại tỉnh Phú Thọ.
Thời gian tổ chức chương trình tặng tranh và khai mạc Triển lãm vào 9:30 sáng ngày 18/04/2023 Tại Khu di tích Lịch sử Đền Hùng.
PV