Quỳnh Lưu (Nghệ An): Doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa Hè thu hiệu quả cho nhà nông trong đại dịch Covid-19

17:44 04/09/2021

Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã thực hiện nhiều giải pháp để thu hoạch và liên kết doanh nghiệp tiêu thụ lúa Hè thu cho nông dân trong đại dịch Covid-19, nhằm đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn…

Được biết, tại thời điểm này, nông dân huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang vào mùa thu hoạch lúa vụ Hè Thu năm 2021. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 trên địa bàn đang diễn biến phức tạp, nên người dân phải thực hiện giãn cách xã hội. Theo đó, thương lái nơi khác không đến thu mua lúa cho bà con nhà nông được. Song, đối với những nông dân đã liên kết với doanh nghiệp canh tác theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu vẫn ổn định đầu ra. Ông Hồ Văn Mai – Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thành (xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu) cho biết: “ Vụ Hè Thu này, Hợp tác xã có 70ha lúa sản xuất theo chuỗi giá trị với công ty TNHH Mạnh Cường, trong đó: 20ha Nếp Hương và 50ha lúa BC15. Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp cung ứng giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật và hỗ trợ kỹ thuật cho bà con canh tác đúng quy trình mà doanh nghiệp đã đưa ra.

Trước khi thu hoạch 5 ngày, Doanh nghiệp Mạnh Cường cùng Hợp tác xã và bà con xã viên thỏa thuận giá cả theo thị trường. Đến lúc thu hoạch, doanh nghiệp đã thu mua hết lúa cho bà con với giá 500 ngàn đồng/tạ lúa tươi”.

 Bà con nhà nông trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu bước vào mùa gặt lúa vụ Hè Thu 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Được biết, nhiều năm qua, Công ty TNHH Mạnh Cường (trụ sở ở xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu) luôn đồng hành với người trồng lúa trên địa bàn huyện và một số huyện lân cận để tạo ra sản phẩm gạo đạt chất lượng cao nhằm cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong vụ Hè Thu này, Công ty đã hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ hơn 300 ha lúa hàng hóa các loại tại 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Giá thu mua của công ty dựa vào thị trường và thời gian liên kết. Bà Hồ Thị Thu Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Cường thông tin: “Mặc dù trong thời điểm dịch Covid-19 đang gây khó khăn, nhưng doanh nghiệp cũng cam kết mua hết lượng lúa trong hợp đồng liên kết. Những nông dân ngoài hợp đồng khó khăn về đầu ra cũng được cán bộ kỹ thuật thẩm định trước khi thu hoạch và tiến hành thu mua giúp cho bà con”.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu Vũ Thị Bích Hằng nhìn nhận: “Trong bối cảnh cả tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, việc liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã phát huy tốt hiệu quả. Nổi bật nhất hiện nay là mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa với Công ty TNHH Mạnh Cường. Đồng thời, huyện cũng đang xây dựng, tìm kiếm các đối tác mới để liên kết đầu ra cho sản phẩm rau củ quả của bà con nhà nông”. 

  Sau khi gặt, lúa của nông dân huyện Quỳnh Lưu được công ty TNHH Mạnh Cường thu mua với giá cao ngay tại ruộng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con yên tâm sản xuất, Hội nông dân xã Quỳnh Lâm (huyện Quỳnh Lưu) đã phối hợp UBND xã ký hợp đồng với Công ty TNHH Mạnh Cường bao tiêu toàn bộ sản phẩm Nếp Hương ngay sau khi thu hoạch cho bà con, với giá thu mua 500 nghìn đồng/tạ lúa tươi. Ông Hồ Văn Sinh (thôn 9, xã Quỳnh Lâm) là một trong những hộ dân tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa phấn khởi: “Lúa vụ Hè thu năm nay được mùa, năng suất cao hơn các vụ trước. Chúng tôi được Hội nông dân xã cung ứng giống, phân bón theo phương thức trả chậm và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Khi thu hoạch lúa thì được công ty thu mua lúa tươi tại ruộng với giá cao, không mất công mang về phơi. Sản xuất theo chuỗi liên kết đã giúp nhà nông chúng tôi yên tâm gắn bó với đồng ruộng và sản xuất đảm bảo quy trình kỹ thuật nên cho năng suất cao”. 

  Mô hình liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị giữa nông dân xã Quỳnh Lâm (huyện Quỳnh Lưu) với Công ty TNHH Mạnh Cường trước khi thu hoạch

Ông Hồ Ngọc Trường - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm cho hay: “Mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm này rất có hiệu quả, góp phần giảm chi phí, công lao động, đảm bảo đầu ra cho nông dân. Trong vụ mùa sắp tới, xã sẽ tiếp tục  mở rộng diện tích gieo cấy theo mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm với diện tích 30ha bằng giống lúa DQ11 và Nếp Hương. Sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị tạo sự yên tâm cho bà con nhà nông của địa phương, kể cả khi dịch dã diễn biến phức tạp”.

Văn Cương – Hoàng Lan