Ngày 17/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 396/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch).
Mục đích của Kế hoạch là xây dựng lộ trình triển khai lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực đường sắt giai đoạn đến năm 2030 để cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch).
Đồng thời, lập kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có và xây dựng các tuyến đường sắt mới theo quy hoạch, dự kiến nhu cầu sử dụng đất; cụ thể hóa các nhiệm vụ, chính sách, giải pháp và huy động nguồn lực gắn với trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc triển khai thực hiện quy hoạch, phù hợp với kế hoạch thực hiện quy hoạch; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc bố trí nguồn lực đầu tư phát triển, quản lý, bảo trì, khai thác mạng lưới đường sắt.
Phạm vi thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030, phù hợp với thời kỳ quy hoạch mạng lưới đường sắt được duyệt. Đối tượng là các tuyến, ga đường sắt được quy hoạch đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030.
Theo Kế hoạch, tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đến năm 2050 dự kiến là 25,836 ha, trong đó giai đoạn 2021 - 2030 là 16,377 ha quỹ đất tăng thêm so với hiện nay là 5,644 ha.
Giao Bộ Giao thông vận tải trong quá trình lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và chuẩn bị đầu tư các dự án sẽ tiếp tục rà soát chuẩn xác chi tiết nhu cầu sử dụng đất, phân kỳ đầu tư phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua tại Nghi quyết số 39/2021/QH15.
Nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia nhằm đảm bảo vận tải đường sắt đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải cả nước.
Huy động mọi nguồn lực thực hiện đầu tư các dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư kèm theo Quyết định này, cụ thể: Giai đoạn 2021 - 2025: Bố trí 15.924 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công cho lĩnh vực đường sắt để thực hiện các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong kỳ trung hạn; khởi công mới một số dự án và chuẩn bị đầu tư các dự án của kỳ trung hạn tiếp theo. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư các dự án đường sắt theo quy hoạch.
Giai đoạn 2026 - 2030: Dự kiến nhu cầu khoảng 224.076 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn đầu tư công (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương) và vốn hợp pháp khác để đầu tư theo danh mục kế hoạch chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư của kỳ kế hoạch 2021 - 2030.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2023 tổ chức đầu năm, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết trong năm 2022 đạt doanh thu hợp nhất 7.718,2 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ và vượt 15,8% kế hoạch năm. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất dù vượt 75,7% so với cùng kỳ và vượt 74,1% kế hoạch (tương ứng giảm lỗ 373 tỷ đồng) nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ 130,5 tỷ đồng.
Trong đó, công ty mẹ đạt doanh thu 5.368 tỷ đồng, bằng 123% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế lỗ 200 tỷ đồng, bằng 163,6% kế hoạch và không xuất hiện các khoản nợ quá hạn.
Khoản lỗ 200 tỷ đồng của công ty mẹ bao gồm chênh lệch thu chi từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính là -174 tỷ đồng; chênh lệch thu chi từ hoạt động tài chính và hoạt động khác là -26 tỷ đồng. Trong đó, các khoản chi không tạo ra doanh thu gồm trích lập dự phòng tổn thất các khoản thu tài chính gồm lỗ từ các công ty cổ phần vận tải đường sắt -12 tỷ đồng, lãi vay dự án -13,8 tỷ đồng, tiền phạt chậm nộp thuế đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội -35,6 tỷ đồng.
Lý giải việc giảm lỗ đáng kể năm vừa qua, Tổng Giám đốc Đặng Sỹ Mạnh cho biết đến từ sự bứt phá của vận tải hàng hóa, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trên 50% thời điểm trước dịch; sự khởi sắc từ đường sắt liên vận với đà tăng trưởng hai con số. Đơn vị cũng đưa ra giải pháp chạy tàu khách linh hoạt, đặc biệt vào đợt cao điểm hè, để bám sát tín hiệu thị trường và đáp ứng nhu cầu hành khách.
Ngoài ra, ngành đường sắt cũng ra sức đổi mới, liên kết với các doanh nghiệp du lịch, đưa ra các sản phẩm kết hợp vận chuyển đường sắt - du lịch hấp dẫn. Gần đây nhất, Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn vừa phát động phong trào “Đường tàu - Đường hoa” dọc hành lang tuyến đường sắt Thống Nhất từ Km 1723+938 - 1724+154 để sớm hình thành tuyến đường hoa dài nhất Việt Nam và trở thành điểm nhấn du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với các địa phương và đến với Việt Nam...
PV (t/h)