Quy định thanh kiểm tra doanh nghiệp vẫn nhiều băn khoăn

00:00 12/10/2020

Nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu sửa Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong thời gian tới, ngày 17/9, tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Chiến lược và khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) tổ chức hội thảo “Tọa đàm về hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp”.

Kết quả trao đổi nghiên cứu, khảo sát tại hội thảo lần này sẽ góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu sửa Luật Thanh tra năm 2010

Tại buổi hội thảo, đại diện Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra TP. Hồ Chí Minh, các đơn vị, ban ngành cùng các doanh nghiệp đã trao đổi đánh giá hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong thời gian qua, đồng thời đưa ra những đề xuất kiến nghị về hoạt động thanh kiểm tra. Kết quả trao đổi nghiên cứu, khảo sát tại hội thảo lần này sẽ góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu sửa Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong thời gian tới.

Theo đó, từ giữa năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, không được thanh tra, kiểm tra DN quá 1 lần/năm, không làm cản trở hoạt động bình thường của DN. Chỉ thị này cũng nêu rõ, việc kiểm DN chỉ được thực hiện trong trường hợp thật sự cần thiết và phải có quyết định của Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền.

Việc Thủ tướng quy định chỉ được thanh, kiểm tra DN mỗi năm một lần được cho là sẽ giúp các doanh nghiệp “dễ thở” hơn, giảm phiền hà, nhũng nhiễu và tạo thuận lợi cho DN trong quá trình hoạt động. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trước đó, không ít DN bị thanh, kiểm tra 6 - 7 lần/năm; có trường hợp quận đã kiểm tra, thành phố cũng kiểm tra, chưa kể các cơ quan quản lý chuyên ngành khác…

Không thể phủ nhận quy định chỉ kiểm tra DN 1 lần/năm thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Thủ tướng và Chính phủ trong việc tạo đà cho DN phát triển, nhưng các DN vẫn còn nhiều băn khoăn xoay quanh quy định này.

Cụ thể, thực tế vẫn có tình trạng tại DN đang có cuộc thanh tra hành chính hoặc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (ví dụ về môi trường, về đất đai, về thuế, về an toàn vệ sinh thực phẩm…) nhưng cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành khác.

Cũng theo tinh thần của Chỉ thị 20, trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan thanh tra, kiểm tra chỉ được ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; Không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, vấn đề thanh kiểm tra DN cần có sự tách bạch rõ ràng nhằm đảm bảo tiền kiểm và hậu kiểm. Chính phủ cần ban hành nghị định kiểm tra DN, quy chế phối hợp giữa các cơ quan thanh tra nhằm giảm bớt bị áp lực, khó khăn cho công tác thanh kiểm tra.

Ngoài ra đại diện một số công ty luật cũng góp ý cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành phải bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, không tạo rào cản gia nhập thị trường, không làm phát sinh chi phí cho DN.

Hoảng Tỷ