Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Phát biểu tại phiên họp tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự án luật theo trình tự thủ tục trình qua 2 kỳ họp Quốc hội (kỳ họp thứ 6 và thứ 7) nên rất cần sự tham gia, đóng góp ý kiến của các ĐBQH để cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) hoàn thiện.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đây là một dự án luật chuyên ngành, “nhưng rất tổng hợp”, do đó cần được quan tâm, đặc biệt trong điều kiện nước ta đang đổi mới thể chế.
“Luật đã được sửa 3 lần trong 10 năm để phù hợp với phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, nhưng đến nay nhìn lại vẫn còn bất cập, nhất là trong điều kiện hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thời đại kinh tế số và thương mại điện tử phát triển”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu thảo luận tại tổ sáng 12/11
Cho ý kiến với dự thảo luật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện vẫn còn tình trạng trốn thuế, nợ thuế kéo dài, ảnh hưởng đến ngân sách. Do đó, ông Nghĩa đề nghị, dự thảo luật cần quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của cán bộ quản lý thuế trong hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nộp thuế đầy đủ, nhanh chóng, tiện lợi, cũng như công khai, minh bạch công tác quản lý.
Còn theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), việc sửa Luật Quản lý thuế lần này đã tương đối minh bạch, công khai, bình đẳng, phù hợp với pháp luật quốc tế, song cần có sự đối chiếu, nghiên cứu để thiết kế các điều khoản đảm bảo không “vênh” với môi trường pháp lý chung, đồng thời nâng cao hiệu quả chống thất thu, gian lận thuế. Ông Ngân cho biết, chỉ riêng hệ thống pháp luật về thuế có đến hàng chục đạo luật, chưa kể còn liên quan đến các luật về ngân sách nhà nước, kế toán, kiểm toán.
Cơ quan quản lý thuế không thể thực hiện kiểm toán “ngược”
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đặc biệt quan tâm, phân tích sâu về các quy định liên quan đến hoạt động kiểm toán thuế.
Đại biểu Hàm cho biết, tại khoản 2, điều 21, quy định cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế đối với kiến nghị của cơ quan kiểm toán nhà nước (KTNN) khi kiểm toán tại cơ quan thuế, điểm g điều 110, điểm 4 điều 115, quy định cơ quan thuế kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế hoặc thanh tra theo kiến nghị của cơ quan KTNN. Điều 113 quy định, khi số liệu của KTNN và cơ quan thuế khác nhau sẽ lấy theo số liệu của cơ quan thuế, cơ quan thuế sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
“Tôi thấy điểm này không phù hợp với Luật KTNN vì KTNN là thiết chế độc lập, kiến nghị của KTNN theo điều 7 là có giá trị bắt buộc thực hiện, nếu các đơn vị không thống nhất thì có quyền kiến nghị ra tòa. Còn theo Luật này, nếu sau khi có kết luận kiểm toán, cơ quan thuế lại thanh tra lại là không phù hợp, nếu số liệu không thống nhất thì lấy số liệu của cơ quan thuế cũng không phù hợp” - đại biểu Hoàng Quang Hàm phân tích.
BQH Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) - ảnh: QH
Theo đại biểu tỉnh Phú Thọ, trong trường hợp này, cơ quan thuế là đối tượng của kiểm toán, và kiến nghị của kiểm toán có giá trị bắt buộc phải thực hiện. Nếu báo cáo Thủ tướng thì Thủ tướng không có thời gian để xem hết.
“KTNN là thiết chế độc lập, nếu cần thiết thì khiếu nại kiểm toán ra tòa. Hiện nay, có vướng mắc là các đối tượng liên quan không phải là đối tượng được kiểm toán thì không có quyền khiếu nại. Cơ quan thuế sau khi có kiến nghị của kiểm toán thuế sẽ ra thông báo thuế, nên đơn vị liên quan nếu có khiếu nại thì họ khiếu nại cơ quan thuế ra tòa, và cơ quan thuế phải hầu tòa. Tôi thấy phải sửa theo hướng quy định thêm một nội dung là, trong trường hợp các đơn vị liên quan không thống nhất về các kiến nghị thì có thể kiện kiểm toán ra tòa, như vậy, phù hợp hơn” - đại biểu Hoàng Quang Hàm nói.
Ngoài ra, đại biểu Hàm cho rằng cần cân nhắc về quy định với cơ quan thanh tra, vì trong luật này cũng quy định tương tự như với KTNN trong khi cơ quan thanh tra cũng đã có luật quy định cụ thể.
Xuân Hưng