Quảng Trị hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Trung tâm năng lượng miền Trung”

17:01 23/02/2023

Biến những bất lợi thành lợi thế, nhiều năm qua tỉnh Quảng Trị quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp năng lượng trở thành một trong những trụ cột kinh tế chính của tỉnh, phấn đấu đạt mục tiêu “Trung tâm năng lượng miền Trung” vào năm 2030. Phóng viên thường trú Tạp chí Doanh nghiệp và hội nhập tại Quảng Trị đã có cuộc trao đổi với ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị về mục tiêu này.

 

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị

Xin ông cho biết tiềm năng về năng lượng tái tạo của Quảng Trị hiện nay?

Ông Hà Sỹ Đồng: Quảng Trị là vùng đất có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt với “gió Lào, cát trắng”, “nắng to, gió lớn”, đây đã từng được coi là bất lợi đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh trong một thời gian dài nhưng hiện nay đã trở thành nguyên liệu “đầu vào” rất quý, tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Theo khảo sát và đánh giá của các tổ chức, chuyên gia về năng lượng, tốc độ gió trung bình tại khu vực phía Tây tỉnh Quảng Trị đạt vận tốc hơn 7m/s; tổng giờ nắng bình quân và cường độ bức xạ mặt trời cao với hơn 1.910 giờ nắng/năm, bức xạ trung bình 4,35 kWWh/m2/ngày, thời gian nắng kéo dài đặc biệt vào từ tháng 4 - tháng 10 hàng năm. Bên cạnh các số liệu, điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng điện gió và mặt trời nêu trên, Quảng Trị còn có tiềm năng phát triển thủy điện tích năng - loại hình năng lượng được xem là một mảnh ghép cho bức tranh phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Ngoài ra, Quảng Trị chúng tôi còn có tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió ngoài khơi, điện khí ngoài khơi - loại hình năng lượng hóa thạch nhưng phát thải carbon ra môi trường thấp và sản xuất khí hydro xanh.

Xác định phát triển bền vững, khai thác tiềm năng một cách hiệu quả, Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo công tác lập quy hoạch, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có 1.177,2MW điện gió, 127MW điện mặt trời, 260,5MW thủy điện đã được bổ sung quy hoạch vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh và triển khai đầu tư; tỉnh đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) 60 dự án điện gió trên bờ với tổng công suất 4.000MW, 03 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 2.600MW, 19 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.400MW và 02 dự án thủy điện tích năng với tổng công suất 2.000MW.

Từ những nỗ lực không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, với những chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng từ phía Chính phủ, Bộ Công Thương, sự chung sức của các nhà đầu tư và quan trọng là sự ủng hộ, đồng thuận cao của người dân, tỉnh Quảng Trị đã bước đầu phát huy được tiềm năng về năng lượng tái tạo và đạt được những kết quả nhất định. Đó là, đến nay tỉnh Quảng Trị đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất đạt 714MW, đưa vào vận hành thương mại 671,1MW; 03 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5MW cũng đã đưa vào vận hành thương mại. Như vậy, tổng công suất đã hoàn thành công tác xây lắp, đưa vào vận hành thương mại trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 1.008,5MW (chưa bao gồm khoảng 100MW hệ thống điện mặt trời mái nhà). Các dự án điện gió, thủy điện đã được bổ sung vào quy hoạch còn lại đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai, dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn đến năm 2025 với tổng công suất 547MW.

Tất cả các tiềm năng và tình hình phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua và dự kiến trong tương lai sẽ là cơ sở vững chắc cho việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ đồng tình ủng hộ tại Thông báo số 17/TB-VPCP ngày 25/01/2021 của Văn phòng Chính phủ. Đây vừa là khát vọng, vừa là mục tiêu hoàn toàn có cơ sở khoa học, thực tiễn, tiềm năng, quyết tâm chính trị và là hướng đi đúng, trúng, tạo ra bước đột phá quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian đến.

Quảng Trị có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió
Quảng Trị có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió.

 Để hiện thực hóa được mục tiêu "Trung tâm năng lượng miền Trung", thời gian qua, tỉnh Quảng trị đã đặt ra những mục tiêu, giải pháp và cả những đề xuất gì với Trung ương, thưa ông?

Ông Hà Sỹ Đồng: Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức các Hội thảo chuyên đề để thảo luận các giải pháp thực hiện; xây dựng ban hành Chương trình hành động số 15-CT/TU ngày 27/4/2021 và Tỉnh uỷ triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các mục tiêu, giải pháp cụ thể; tỉnh đã kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất và đầu tư các dự án năng lượng trên địa bàn; tích cực làm việc với Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư để bổ sung quy hoạch, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong cơ chế chính sách và quá trình thực hiện dự án…; Đồng thời, tập trung quy hoạch, triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải kết nối trong nước và các nước lân cận nhằm phấn đấu hoàn thành và phát điện thương mại khoảng 2.500 - 3.000MW giai đoạn đến năm 2025 và khoảng 9.500MW giai đoạn đến năm 2030. Đây cũng là những mục tiêu đã được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tỉnh Quảng Trị hiểu rằng còn rất nhiều việc cần phải làm để hiện thực hóa được mục tiêu "Trung tâm năng lượng miền Trung". Việc thực hiện mục tiêu đó không chỉ có lãnh đạo tỉnh, nhà đầu tư hay tổ chức, cá nhân riêng lẻ nào làm được, mà nó cần có sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà cùng sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ ngành, sự chung tay, góp sức của các nhà đầu tư và sự đồng hành, hỗ trợ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế - năng lượng.

Thời gian trước mắt, tỉnh tập trung chỉ đạo các Sở ngành, địa phương giúp đỡ, hỗ trợ nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào vận hành thương mại các dự án đã được bổ sung quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai thi công.

Đối với Trung ương, tỉnh Quảng Trị mong nuốn Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành quan tâm đưa các dự án năng lượng tái tạo của tỉnh vào Quy hoạch Điện VIII làm cơ sở triển khai đầu tư. Bên cạnh đó, cần xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách trong việc lựa chọn nhà đầu tư, các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển dự án năng lượng tái tạo mang tính dài hạn để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. 

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Trọng Lãnh (thực hiện)