Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh xây dựng trên diện tích 55,9ha (gồm: 42,5ha đất và 13,4ha mặt nước) tại phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Quy mô đầu tư xây dựng, gồm: 01 Nhà máy điện khí LNG công suất 1.500MW; 01 bến nhập LNG cho tàu trọng tải 71.500DWT; 02 bồn chứa LNG công suất 100.000m3/bồn cùng hệ thống tái hóa khí; kết nối giữa bến cập tàu và kho chứa LNG là tuyến ống dẫn LNG lỏng dài khoảng 3,0-3,5km; đấu nối nhà máy với hệ thống lưới điện quốc gia bằng tuyến đường dây 500kV xây dựng mới dài khoảng 30km từ nhà máy đến trạm 500kV Quảng Ninh tại xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long; nguồn nhiên liệu chính của nhà máy là khí LNG nhập khẩu từ các nước xuất khẩu lớn trên thế giới như Australia, Qatar, Algeria, Nga, Mỹ... với sản lượng dự kiến 1,1 triệu tấn/năm;
Tổng mức đầu tư dự án dự kiến 47.480 tỷ đồng (tương đương 1.998 triệu USD); dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 09 tỷ kWh điện/năm và đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 57.700 tỷ đồng trong vòng 25 năm.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) tại văn bản 1409/TTg- CN ngày 17/10/2020 với quy mô công suất 1.500MW, tiến độ vận hành năm 2026-2027 nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. UBND tỉnh Quảng Ninh được giao nhiệm vụ lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và hiệu quả tốt nhất cho đất nước. Nhà đầu tư phải đảm bảo khả năng tài chính tham gia và thực hiện đúng pháp luật về đầu tư, đưa nhà máy vào vận hành đúng tiến độ.
Nhà đầu tư Liên danh PV Power - Colavi - Tokyo Gas - Marubeni là đơn vị được lựa chọn thực hiện dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh tại phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Văn vui mừng chia sẻ: Lễ khởi động dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh 1.500MW là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nhằm thúc đẩy quá trình đầu tư, đưa nhà máy điện khí đi vào vận hành đúng tiến độ đảm bảo nguồn an ninh năng lượng quốc gia, thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên của tỉnh Quảng Ninh trong phát triển kinh tế- xã hội và xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động toàn diện của phía Bắc.
Trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Quảng Ninh vân nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 55- NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mục tiêu đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và ưu tiên phát triển nguồn điện khí.
Nguyễn Lương