Ưu tiên phát triển hạ tầng, tạo động lực thu hút đầu tư
Qua đó cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác quản lý, khai thác, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển công nghiệp nhanh và bền vững; lấy công nghiệp tiếp tục giữ vai trò là động lực quan trọng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khuyến khích hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và các doanh nghiệp dịch vụ tư vấn phát triển công nghiệp. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn trong nước với doanh nghiệp của tỉnh để hỗ trợ tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế trên lĩnh vực công nghiệp, bên cạnh đó đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phấn đấu đưa tỉnh Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh có công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 6,5 - 7%/năm, phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp thu hút đầu tư khoảng 5 - 6 tỷ USD, các cụm công nghiệp thu hút khoảng 800 tỷ đồng, trong đó vốn thực hiện đạt 75% trở lên, bên cạnh đó xây dựng được một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ, hoàn chỉnh, đảm bảo các tiêu chí về bảo vệ môi trường. Xây dựng Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Huy động các nguồn lực phát triển hệ thống giao thông, cảng biển theo quy hoạch, ưu tiên các công trình trọng điểm, có sức lan tỏa, kết nối đồng bộ với hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cảng biển. Bên cạnh đó tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống truyền tải, phân phối điện, nhất là ở vùng nông thôn và miền núi…
Phát triển Khu kinh tế Dung Quất trở thành trung tâm công nghiệp ven biển
Trước hết, tập trung hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó làm rõ quỹ đất công nghiệp, dịch vụ và dành quỹ đất thích hợp để phát triển nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động; chủ động phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng Đề án Quy hoạch Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất. Xây dựng Đề án phát triển Khu kinh tế Dung Quất trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ với trọng tâm là các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo, công nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao.
Xây dựng và thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng khuyến khích phát triển ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp có công nghệ hiện đại, tạo ra giá trị gia tăng cao; Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hình thành thí điểm về cụm liên kết ngành công nghiệp đối với một số sản phẩm trong các ngành công nghiệp ưu tiên.
Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp năng lượng, lọc hóa dầu, hóa chất, cơ khí chế tạo, luyện kim, vật liệu... Ưu tiên phát triển mạnh mẽ một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao như công nghệ thông tin - viễn thông, công nghiệp điện tử, công nghiệp hóa dược, sản xuất chế phẩm sinh học, công nghiệp môi trường, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp, vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ liên quan đến hóa dầu, luyện kim, cơ khí, điện - điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản; tiếp tục phát triển công nghiệp dệt may, da giày, tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao. Gắn kết phát triển công nghiệp dân sinh và công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng.
Hình thành khu công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin tập trung tạo cơ sở, điều kiện để phát triển kinh tế số, xã hội số gắn với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Nghiên cứu, điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại các ngành công nghiệp. Phân bố không gian công nghiệp phải bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm, có lợi thế về giao thông, địa kinh tế, tài nguyên, lao động, logistics, có khả năng trở thành động lực tăng trưởng; phân bố các cơ sở chế biến nông, lâm sản hợp lý theo hướng gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm.
Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm, quy mô lớn, trước mắt là: Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Dự án Khu Công nghiệp VSIP, các dự án Điện khí tại Khu kinh tế Dung Quất, … có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.
PV