Chiều 27/2, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương về tình hình khai thác vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh. Cuộc họp trở nên “nóng” khi nói về nguồn cung cát, sỏi xây dựng bị khan hiếm thời gian gần đây.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Các doanh nghiệp này cũng là chủ thầu các cồng trình xây dựng trên địa bàn cho biết; mỗi khối cát trước tết giao động từ 200 đến 250 nghìn đồng /1 m3 đến tận công trình, nhưng sau tết tăng đột biến đến tận công trình tùy theo loại giá có thể từ 350.000 đến 400.000 đồng/m3. Cát khan hiếm, giá cao như hiện nay thì doanh nghiệp phải gánh quá nhiều chi phí phát sinh, trong khi đó, hợp đồng đã ký kết các hợp đồng với chủ đầu tư thì đơn giá tính trước đó.
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã yêu cầu, UBND các huyện, thị xã, thành phố, khẩn trương tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong vùng dự án để đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 39 điểm mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương và UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, yêu cầu Sở Xây dựng đôn đốc các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản để đáp ứng nhu cầu sử dụng cát và bình ổn giá trên địa bàn tỉnh.
Trước thực trạng các mỏ cát đóng cửa tạm thời ở địa phương, ông Lê Đỗ Tuấn Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, trước Tết, các doanh nghiệp trên địa bàn cơ bản đáp ứng được nhu cầu cát của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp đang rà soát thủ tục khai thác, tạm dừng hoạt động nên không đáp ứng đủ nguồn cung cho thị trường.
Theo ông Khương, huyện Đại Lộc, đến nay toàn huyện này có 17 doanh nghiệp được UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, trong đó đối với khoáng sản cát, sỏi đã có 3 giấy phép khai thác. Trong tổng số 3 mỏ được cấp phép, hiện có 2 mỏ được phép hoạt động. Ngoài ra, tại huyện Đại Lộc còn có 2 đơn vị đang thăm dò và lập thủ tục đầu tư khoáng sản cát, sỏi.
Lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc nêu thực trạng bất cập trong việc quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản chưa đồng bộ và thiếu chặt chẽ, khi cần truy xuất dữ liệu kiểm tra, đối chiếu và so sánh giữa khối lượng thực khai thác và số liệu nộp thuế thì không chứng minh, cung cấp số liệu được, gây khó khăn cho công tác quản lý, thất thu ngân sách Nhà nước; ngược lại, doanh nghiệp có cơ hội để khai mang, trốn thuế hoặc nộp thuế, phí thấp hơn so với khối lượng khai thác. Chính từ thực tế này, Đại Lộc đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo việc phân cấp, giao quyền quản lý, giám sát này, cụ thể để UBND huyện Đại Lộc chủ động trong công tác phối hợp kiểm tra, giám sát.
Tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đang xem xét hồ sơ, tài liệu của 3 doanh nghiệp hoạt động khai thác cát, sỏi tại huyện Đại Lộc và Duy Xuyên.
Đại tá Nguyễn Hà Lai đề nghị, UBND tỉnh Quảng Nam cần chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông nhằm tránh thất thu ngân sách Nhà nước.
Kết luận cuộc họp, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trước diễn biến khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường, nhất là cát, sỏi xây dựng thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, phục vụ yêu cầu xây dựng trên địa bàn.
Đề nghị các địa phương khẩn trương tổ chức đấu giá đối với các mỏ đã được xác định; trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì các sở chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ cho các địa phương. Tuy nhiên, cần lưu ý cân đối nhu cầu của thị trường để chọn loại khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường để tổ chức đấu phù hợp, tránh tình trạng đấu giá ồ ạt, cung vượt cầu.
Bên cạnh đó, cần tránh tình trạng nhiều điểm mỏ sử dụng một tuyến đường ra vào khu vực mỏ, gây áp lực cho cơ sở hạ tầng giao thông và bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó yêu cầu "Công an tỉnh Quảng Nam, Cục Thuế nghiêm khắc xử lý tình trạng doanh nghiệp khai thác khoáng sản công bố giá một đường, bán một nẻo hoặc dưới hình thức khác không đúng với giá niêm yết, bên cạnh đó các địa phương phải quản lý chặt chẽ việc khai thác khoáng sản, không để thất thoát tài nguyên khoáng sản, nhất là tài nguyên dưới nước như cát, sỏi, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định.
Doanh nghiệp nào vi phạm đi vi phạm lại thì đề nghị xử lý, thu hồi giấy phép, thậm chí cấm hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Trọng Tâm