![]() |
Prada thâu tóm Versace với giá gần 1,4 tỷ USD |
Tập đoàn thời trang xa xỉ Prada vừa ký kết thỏa thuận trị giá 1,38 tỷ USD để thâu tóm lại thương hiệu lừng danh Versace từ Capri Holdings, theo thông tin được Reuters đăng tải ngày 10/4. Đây là một trong những thương vụ hợp nhất lớn nhất trong ngành thời trang Italy, đánh dấu bước ngoặt chiến lược sau nhiều năm im ắng của “đế chế” Prada.
Trong bối cảnh thị trường hàng xa xỉ toàn cầu đối mặt với nhiều biến động, từ suy giảm nhu cầu tại Trung Quốc đến lo ngại suy thoái kinh tế và chính sách thuế mới tại Mỹ, thương vụ giữa Prada và Versace được xem là cú hích quan trọng giúp Italy củng cố lại sức ảnh hưởng trong ngành vốn lâu nay bị chi phối bởi các tập đoàn Pháp như LVMH hay Kering.
“Chúng tôi muốn tiếp nối di sản của Versace, tôn vinh và tái hiện lại thẩm mỹ táo bạo và vượt thời gian của thương hiệu này”, Chủ tịch Prada, ông Patrizio Bertelli tuyên bố. Ông khẳng định Prada sẽ mang lại cho Versace một nền tảng vững chắc, dựa trên nhiều năm đầu tư và các mối quan hệ sâu rộng trong ngành thời trang cao cấp.
Trong khi Prada duy trì đà tăng trưởng ổn định, đặc biệt nhờ thành công vang dội của thương hiệu con Miu Miu với doanh số tăng 93% trong năm qua, thì Versace lại đang chật vật tìm lại hào quang xưa. Capri Holdings – tập đoàn mẹ của Versace, Michael Kors và Jimmy Choo – ghi nhận doanh thu dự kiến của Versace giảm từ 1 tỷ USD xuống chỉ còn 810 triệu USD trong năm tài chính hiện tại.
“Versace có tiềm năng rất lớn, nhưng chặng đường phía trước đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỷ luật trong triển khai chiến lược”, CEO Prada Andrea Guerra nhận định.
Về phía mình, ông Lorenzo Bertelli – Giám đốc Marketing kiêm thành viên gia đình Prada – khẳng định: “Chúng tôi không có sự trùng lặp về đối tượng khách hàng hay tư duy sáng tạo. Điều đó mở ra cơ hội mở rộng tệp khách hàng cho cả hai thương hiệu.”
Giá trị thương vụ này thấp hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu của thị trường và đáng chú ý là thấp hơn đáng kể so với mức 2,15 tỷ USD mà Capri từng bỏ ra để thâu tóm Versace vào năm 2018. Dù vậy, CEO Capri Holdings – ông John Idol – cho biết đây là bước đi chiến lược nhằm tăng giá trị cổ đông và tập trung phát triển hai thương hiệu còn lại là Michael Kors và Jimmy Choo.
Việc Prada chấp nhận chi khoản tiền “khiêm tốn” để sở hữu một biểu tượng như Versace được các chuyên gia đánh giá là một nước đi “khôn ngoan đúng thời điểm”, trong bối cảnh nhiều thương vụ IPO và M&A khác bị hoãn do làn sóng bán tháo cổ phiếu và bất ổn kinh tế toàn cầu.
Thương vụ này cũng được công bố không lâu sau khi bà Donatella Versace – biểu tượng thời trang và là Giám đốc sáng tạo của thương hiệu – tuyên bố rút lui, khép lại một kỷ nguyên kéo dài từ khi bà kế thừa di sản của người anh trai quá cố Gianni Versace. Với sự thay đổi nhân sự cấp cao này, Prada đang đứng trước bài toán khó: làm sao vừa giữ được tinh thần táo bạo của Versace, vừa thổi luồng sinh khí mới để thương hiệu này lấy lại đà phát triển. Tuy nhiên, với nền tảng tài chính vững mạnh, mạng lưới phân phối rộng khắp và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng xa xỉ, Prada được kỳ vọng sẽ viết tiếp chương mới cho Versace, đưa biểu tượng thời trang Italy trở lại ánh hào quang vốn có.