Phú Thọ vươn lên xếp thứ 9/63 tỉnh thành về giá trị kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022

20:12 02/08/2022

Với mức tăng trưởng đạt 86,3% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 75,6% kế hoạch năm, đưa Phú Thọ đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Có được kết quả trên là nhờ có sự lãnh chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn đã chuyển dịch đúng hướng, tạo động lực chung cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên toàn tỉnh.

Công ty cổ phần May Pearl (thành phố Việt Trì) với 100% vốn đầu tư của Hàn có mức xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 đạt trên 300 tỷ đồng
Công ty cổ phần May Pearl (thành phố Việt Trì) với 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc có mức xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 đạt trên 300 tỷ đồng. 

Một trong những yếu tố quan trọng tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu của tỉnh Phú Thọ trong 6 tháng đầu năm 2022 đó là trong bối cảnh cả nước tập trung nỗ lực thực hiện các nhóm giải pháp chống suy giảm kinh tế, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động xây dựng các chính sách, cơ chế và giải pháp hợp lý nhằm tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, kích thích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất hàng xuất khẩu. Trong đó đã định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại; tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tiếp cận vốn vay, đầu tư máy, móc thiết bị sản xuất… Đặc biệt, tỉnh thành lập Tổ Công tác hỗ trợ giải quyết thủ tục thông quan cho doanh nghiệp; gia hạn nợ thuế; miễn giảm tiền lãi, cơ cấu lại các khoản nợ vay; giảm tiền điện, nước, viễn thông cho doanh nghiệp; công khai các quy hoạch sử dụng đất, bảng giá đất trên địa bàn tỉnh…

Hỗ trợ giải quyết thủ tục thông quan cho doanh nghiệp được Chi cục Hải quan tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu. Thời gian qua, Chi cục Hải quan tỉnh từng bước ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện vào tất cả các mặt công tác nghiệp vụ của ngành như: Quản lý gia công, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, theo dõi và quản lý cửa hàng miễn thuế, kho ngoại quan… 6 tháng đầu năm 2022, Chi cục Hải quan Phú Thọ đã giải quyết các thủ tục hải quan cho 340 doanh nghiệp với 30.550 tờ khai xuất khẩu thuộc Khu công nghiệp Thụy Vân, Cụm công nghiệp An Đạo, Khu công nghiệp Phú Hà, Cụm công nghiệp Đồng Lạng, Khu công nghiệp Cẩm Khê và một số doanh nghiệp ngoài địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Ông Nguyễn Đức Minh - Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan tỉnh Phú Thọ cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Chi cục chỉ đạo các đơn vị xử lý nghiêm các hành vi gây khó khăn hoặc có các biểu hiện tiêu cực làm chậm quá trình thông quan hàng hóa, gây thiệt hại hoặc làm phát sinh các chi phí cho doanh nghiệp. Triển khai các giải pháp về công nghệ thông tin để hỗ trợ người khai hải quan, người nộp thuế và rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Cùng với công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp theo phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm tốt” thì hoạt động xúc tiến đầu tư cũng được chú trọng. 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã giới thiệu 11 doanh nghiệp có nhu cầu cần phối hợp, hỗ trợ tại thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc; giới thiệu 3 doanh nghiệp xuất khẩu chè có nhu cầu cần hỗ trợ xúc tiến với các đối tác Ai Cập; giới thiệu 6 doanh nghiệp tham gia xét chọn “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2021” và mời doanh nghiệp tham dự Đoàn giao dịch thương mại tại Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ, cơ cấu kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh 6 tháng đầu năm 70% là của doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp FDI; 30% là doanh nghiệp nội địa. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hàn Quốc, Mỹ, HongKong, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Canada, Italy và thị trường Anh.

Sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất khẩu tăng cao tập trung vào một số ngành trọng điểm sản xuất linh kiện điện tử. Điển hình như Công ty TNHH Hanyang Digitech - Khu Công nghiệp Phú Hà kim ngạch xuất khẩu đạt 4,8 tỷ USD; Công ty TNHH công nghệ Namuga Phú Thọ - Khu Công nghiệp Thụy Vân kim ngạch xuất khẩu đạt 238 triệu USD. Bên cạnh đó, ngành sản phẩm platstics như vải bạt, bao bì PP, PE tương đối ổn định, trong đó Công ty TNHH Tarpia Vi Na kim ngạch xuất khẩu đạt 11,8 triệu USD; Công ty TNHH JM Plastics Việt Nam kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 11,2 triệu USD/5 tháng đầu năm; Công ty Cổ phần KAPSTEX Vina... 

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Almus Vina (khu Công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ)
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Almus Vina (khu Công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ). 

Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu linh kiện điện tử, platstics thì dệt may cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của cả tỉnh. Mặc dù thị trường trong nước và thế giới có nhiều biến động nhưng nhờ tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều lo đủ các đơn hàng, đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động. Đến thời điểm này, đại đa số các doanh nghiệp dệt may đã cơ bản hoàn thành kế hoạch sản xuất và xuất khẩu của những tháng đầu năm 2022.

Ông Phan Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty cổ phần May Pearl Phú Thọ cho biết: Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, kinh tế thế giới có nhiều biến động, giá xăng dầu tăng nhưng Công ty luôn tìm nhiều giải pháp để sản xuất và xuất khẩu hàng hóa theo đúng đơn đặt hàng. Trong đó, Công ty đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, từ những sản phẩm giản đơn đến các sản phẩm phức tạp đều luôn đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, kiểu dáng, mẫu mã và tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Hằng năm, Công ty luôn giữ mức tăng trưởng ổn định cả về sản lượng hàng hóa xuất khẩu và doanh thu; giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.200 lao động địa phương với thu nhập bình quân trên 8 triệu đồng/người/tháng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Công ty xuất khẩu trên 3 triệu sản phẩm, đạt doanh thu trên 300 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của tỉnh như chè xanh, chè đen đã có nhiều cố gắng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và thâm nhập vào các thị trường thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương do Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan của Bộ Công Thương và các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Đối với các sản phẩm chế biến từ gỗ xuất khẩu như gỗ xẻ thanh, gỗ ván ép, viên nén, số doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp còn chưa nhiều, chỉ có một số công tham gia xuất khẩu trực tiếp, còn lại, các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu ủy thác.

Có thể thấy, các doanh nghiệp khai thác và tận dụng tốt các cơ hội từ sự biến động của thị trường và hiệu lực của Hiệp định thương mại tự do đem lại, chủ động tìm kiếm, khai thác đơn hàng. Đặc biệt, các doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp FDI nhờ có nguồn lực tốt, thị trường ổn định và sự chủ động, linh hoạt trong tìm thêm nhiều nguồn hàng để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, có dự trữ, ổn định và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng doanh thu, nâng cao kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

PV