Phú Thọ: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh tế nông sản

12:58 30/05/2023

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều nông dân đổi mới nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất tiệm cận với nền nông nghiệp thông minh theo hướng hàng hóa bền vững với quy mô lớn.

HTX Nông nghiệp hạt giống Đất Tổ (thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao) áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất
HTX Nông nghiệp hạt giống Đất Tổ (thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao) áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng xây dựng các chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sạch theo mô hình VietGAP, nông nghiệp sử dụng công nghệ cao... Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp thông qua việc hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa cho một số hợp tác xã.

Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hóa với quy mô phù hợp. Phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung như: Lúa, bưởi, chè, rau... Nhiều sản phẩm chủ lực được liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần tạo thương hiệu và nâng cao giá trị cho nông sản.

Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tín dụng cho nông dân, khuyến khích tham gia chuỗi liên kết sản xuất; cùng với chính sách tích tụ ruộng đất... Đây là điều kiện cần để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Toàn tỉnh hiện có 50 đơn vị tham gia chương trình chuyển đổi số, trong đó có 35 đơn vị thuộc lĩnh vực trồng trọt, ba đơn vị thuộc lĩnh vực chăn nuôi, năm đơn vị thuộc lĩnh vực thuỷ sản, năm đơn vị thuộc lĩnh vực chế biến thực phẩm. Hầu hết các sản phẩm áp dụng chuyển đổi số là các sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cấp tỉnh, các nông sản đặc sản, có thế mạnh của tỉnh, có khả năng liên kết, xây dựng chuỗi tiêu thụ nông sản hoặc tiêu thụ qua hình thức thương mại điện tử...

Cơ sở sản xuất thịt chua Thanh Sơn Foods - khu phố Soi, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn được dán tem truy xuất nguồn gốc
Cơ sở sản xuất thịt chua Thanh Sơn Foods - khu phố Soi, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Ông Phan Văn Lý - Giám đốc HTX Nông nghiệp hạt giống Đất Tổ (thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao) chia sẻ: Trước đây, tôi cũng như bao người dân địa phương chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống, trong quá trình sản xuất chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của sản xuất an toàn. Năm 2020, HTX Nông nghiệp hạt giống Đất Tổ ra đời, thu hút 30 thành viên tham gia. Để tồn tại và phát triển, các thành viên đều được tập huấn về sản xuất rau, củ theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như tưới nước nhỏ giọt, làm nhà màng, bón phân hữu cơ vi sinh...

Gần bảy năm nay, cơ sở sản xuất thịt chua Thanh Sơn Foods - khu phố Soi, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn của anh Nguyễn Thành Luân đã duy trì sản xuất, dần khẳng định vị trí trên thị trường. Anh Luân chi sẻ: Cơ sở không chỉ sản xuất thịt chua theo hương vị truyền thống mà còn chủ động nắm bắt được xu hướng và lợi thế của thương mại điện tử, nên những năm gần đây, anh biết vận dụng sức mạnh của mạng xã hội để giới thiệu, bán hàng trực tuyến, lập được trang web, fanpage; đăng ký mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng... để người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc xuất xứ, yên tâm sử dụng.

Việc người nông dân thời đại 4.0 đã thay đổi cách nghĩ, hành động, phát triển kinh tế bền vững từ tiềm năng, lợi thế của sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường là hướng mở triển vọng, xu hướng tất yếu của nông nghiệp hiện đại.

P.V